BẾN SÔNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

         Nắng gần tàn và màn đêm gần xuống. Khói bay heo hắt, khói là tà. Mặt sông như phủ một tầng sương huyền ảo, ánh lên lấp lánh như dệt chỉ kim.

        Cứ chiều chiều, bên tản mạn con sông nối hai đầu thôn Lạc, tôi lại bắt gặp bác lái đò khoác mảnh áo nâu sờn màu sương gió với cái nón nan tần tảo tháng năm. Bác hay làm việc về chiều tối để đưa chân ai chưa kịp chuyến đò ngang về với gia đình.

          Nhà bác lái đò ở đâu đấy làng phía bên kia. Những hôm nhàn rỗi, bác cháu tôi lại ngồi bệt xuống bên đê. Bác kể cho tôi nghe về cuộc đời bác, về gia đình và về mấy câu chuyện cỏn con hàng ngày. Tôi thì cứ căng mắt lên nghe chiến tích hồi bác còn đi lính. Bác vạch cho tôi xem vết sẹo mãi chẳng lành ở cánh tay, một vết sẹo đạn địch bắn trúng đã theo bác hơn nửa cuộc đời. Bác kể tôi nghe về thời quân mình đánh Pháp, cả bên làng Đậu, làng Dâu, già trẻ lớn bé cầm chông mà đánh giặc. Chuyện xưa cũ đã lùi vào dĩ vãng, mấy chục năm vẫn cứ sống động trước mắt tôi qua lời kể êm ru của bác lái đò…

*

           Đang độ giữa thu. Gió mát lạnh lùa hương lúa chín thơm phả vào từng lớp da thớ thịt. Trên đồng ruộng bát ngát thoắt ẩn thoắt hiện chấm đen cứ nhấp nhô theo nhịp sóng lúa. Từng gánh lúa vàng ươm chùng chình, nặng trĩu trên vai gánh của bác nông dân lấm lem đất bùn. Nghe bảo trên thị xã đã có máy gặt rồi, nhanh và đỡ tốn sức hơn thế này nhiều. Nhưng ấy là trên thị xã. Còn cái thôn giáp ranh như chúng tôi thế này, chẳng biết bao giờ mới có máy cày thay trâu, máy gặt thay đôi tay chai sần nữa.

         Tôi nương theo triền đất, trượt xuống bên cạnh bác lái đò vừa cột xong dây thuyền vào cọc. Tôi vừa đặt chân xuống đất đã nghe tiếng bác ồm ồm bên tai:

       – Thằng kia, không ở nhà học bài đi, chạy ra đây làm cái gì?

– Trong kia nóng lắm bác ạ. Tối nay cứ oi thế nào ấy, nên cháu mới ra đây chơi. Ngoài đây lúc nào cũng mát. Ơ nhưng mà, tối nay bác nghỉ sớm ạ?

Tôi vừa hỏi, vừa trông bác thoắt cái đã cột xong sợi dây thừng to, vỗ vỗ tay rồi ngồi bệt xuống bên cạnh. Bác lại bảo:

        – Làm gì có, tối nay tao vẫn làm chứ. Đứng mãi cũng chán, thấy mày chạy ra đây, tao cũng lên ngồi tí cho vui. Sao, nhà mày buôn bán dạo này thế nào?

       – Cũng kha khá, bác ạ. Mẹ cháu cất thêm ít hàng từ trên thị xã, ngày bán dăm ba thức đồ cũng đủ tiền ăn.

      – Mày vẫn học hành ổn đấy chứ, sắp lên cấp ba rồi phỏng?

      – Dạ, hè này cháu thi lên cấp ba. Cũng vui, cũng háo hức lắm, bác ạ! Nhưng mà, cháu thấy khó quá.

       – Khó hả, khó cái nào? Tao cũng biết ít, có gì tao chỉ cho. Cả cái làng trông chờ mình mày ăn học, về còn nở mày nở mặt với thôn trên chứ, hà hà.

         Bác nói, đoạn rút cái điếu cày giấu sau bụi chuối ra, chêm thuốc lào rồi đưa lên miệng. Một tràng rít dài vang lên giòn giã. Làn khói trắng tựa hồ quấn quít mái đầu, nhưng đôi mày nhíu lại của bác thì cứ sắc lẻm nhìn ra xa, vẫn sáng và vẫn tinh như ngọn hải đăng bừng lên trong đêm tối.

*

           Một ngày nữa lại sắp kết thúc. Nắng lấp ló sau bãi ngô tít tắp bờ đê. Một cuộc hẹn mà chẳng cần báo trước, tôi men qua bờ chuối nhảy vọt xuống cạnh bên cọc thuyền. Bác lái đò nghe tiếng động nghoảnh lại phía sau, trông thấy tôi mặt mày ửng lên  vì chạy, bác khẽ vẫy vẫy tay. Tôi như đứa trẻ con sắp được cho kẹo, chạy xốc lại chỗ bác. Bác lót cái lá chuối non xanh tơ cho tôi ngồi khỏi bẩn, rồi cầm lấy bài kiểm tra Văn chễm chệ con 4 trong tay tôi mà xem.

           – Xem mày kìa, học văn mà lại dở thế này, đúng là… Mày nhìn xem, chẳng có bố cục rõ ràng gì cả.

           Tôi ngồi bên cạnh trông bác xem mà cứ hốt hoảng. Có một nỗi lo sợ cứ lớn dần, lớn dần trong lòng tôi. Tôi sợ bác xem xong bài kiểm tra rồi sẽ chê tôi quá ngu mà lại không chỉ bài cho tôi nữa.  Tôi sợ bác sẽ thất vọng về tôi. Tôi sợ, sợ đủ thứ. Nỗi sợ làm cho lòng bàn tay tôi cứ nắm chặt đến nổi cả gân xanh. Tôi ấp a ấp úng chẳng biết nên nói sao vào lúc này. Rồi sau đó một chặp, tưởng chừng như thời gian trôi qua hằng thế kỷ, bác khẽ thở dài một tiếng, rồi ôn tồn bảo tôi:

        – Ngày xưa, hồi mà tao đi lính về, tao cũng có một khoảng dạy học. Hồi đấy, học sinh đến trường đâu có uể oải, lo sợ như chúng mày. Bọn nó háo hức lắm. Tao được nhà trường phân công dạy môn Văn, nhưng mà bọn nhỏ nó thích lắm. Cái thời ông  Nguyễn Duy ổng mới viết bài “Ánh trăng”, tao còn đem chép tay, rồi đọc cho bọn nhỏ nghe. Chúng nó học nhanh, tiếp thu cũng nhanh lắm. Còn tao thấy chúng mày giờ, đến đi học còn nản chứ nói gì môn Văn ru ngủ này.

        – Cũng đúng, bác ạ. Cháu mà cứ học văn là chán lắm, trò đọc bài, rồi cô đọc, trò chép. Học văn mà khô hơn cả Toán, cháu mãi chẳng hiểu cái gì hết.

         – Hà hà – Bác lái đò cười lớn – Chứ còn gì. Ngày xưa tao đi dạy học, làm gì có chuyện đấy. Tao kể bọn nó nghe chuyện kháng chiến, về mấy ông nhà báo, nhà văn sáng tác ra mấy cái bài chúng nó học. Đứa nào đứa đấy chỉ biết tròn xoe mắt nghe. Tao nói chúng thích quá mà. Học văn ấy, khô khan thì chịu chết, làm gì có đứa nào thích. Muốn học cho tốt thì chúng mày phải hiểu cho kỹ. Hiểu sơ sài là không có được đâu. Lại đây, tao chỉ cho…

         Hôm sau, hôm sau nữa. Cứ liên tục như thế hơn một tuần, tôi bước chân vào kỳ thi tuyển sinh. Ngày tôi đi thi, bác lái đò đưa tôi lên tận cổng trường Cấp Ba Thị xã. Bác còn dúi cho tôi hai nghìn. Bác dặn:

         – Tao cho lúc về mà mua quà ăn. Ráng làm bài cho tốt. Những gì tao nói đã nhớ chưa? Đọc đề cho kỹ rồi làm nhé. Cố lên.

         Cầm tờ giấy bạc hai nghìn trong tay mà mắt tôi ươn ướt. Từ bé đến giờ, chưa có ai đối xử với tôi tốt thế này ngoài mẹ cả. Tôi gật đầu rồi chào tạm biệt bác, quay người vào phòng thi. Tôi vẫn biết rằng, nơi cánh cổng sờn màu sơn cũ ấy, bác lái đò áo cánh vải nâu với chiếc nón lá bung chỉ trên đỉnh đầu, vẫn còn trông cho tới khi tôi vào đến lớp. Ngày hôm ấy, trời nắng to. Rạng rỡ. Như một điềm báo. Cho tương lai và cho cuộc đời.

*

        Mười năm sau.

        Cánh đồng vẫn xanh và dòng biếc uốn quanh vẫn bát ngát. Tôi vẫn nghe gió đưa từng cơn hát “bùm”…”tõm” của chiếc mái chèo êm ả như ru. Giữa một khoảnh đất rộng bằng phẳng, bác lái đò vẫn ở đó, nhìn tôi mỉm cười. Tôi bây giờ đã là doanh nhân, đã lớn lên và đã thành đạt. Có thúng bưng mỗi buổi chiều gió lay lắt, mẹ nuôi tôi ăn học. Còn có tờ bạc trắng hai ngàn bác lái đò cho tôi hôm bước chân vào trường thi. Ấy vậy mà, người mẹ già của tôi vẫn còn sáng mắt, niềm nở đón tôi ngày từ thành phố trở về thăm quê. Còn bác lái đò, bác đã nằm im lìm dưới rặng tùng dương phơ phất. Cả kí ức như vừa mới diễn ra đây thôi, ồ ạt và dữ dội ùa về. Chẳng còn con đò nhỏ ngày nào đưa chân khách sang sông. Chẳng còn bác lái đò hiền hậu trò chuyện cùng tôi mỗi buổi đêm về. Bao nhiêu chuyến đò lặng lẽ qua sông, cũng như bao chuyến học sinh ngày ngày cập bến. Người thầy ấy, một người thầy sớm nắng chiều mưa: Người thầy mà tôi kính trọng nhất.

          Nắng sắp tắt. Ngày gần tàn. Lặng yên đứng chìm mình trong hướng gió đồng nội, tôi như trở về bến đò ngang sông, trở về với tiếng hát, câu thơ, về với tiếng chửi ngẩn ngơ “Thằng kia, không học bài à…”…

#1.11.2018

#Khói