Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ – Bài viết giới thiệu sách hay
Lượt xem:
BÀI VIẾT GIỚI THIỆU SÁCH HAY
CHO TÔI XIN MỘT VÉ ĐI TUỔI THƠ
Nguyễn Nhật Ánh
Tuổi thơ trong tôi là gì? Tôi cũng chẳng nhớ rõ nữa, nó mờ nhạt và trôi nhanh quá, nhanh đến nỗi tưởng chừng như nó mới chỉ là giấc mơ đâu đây ngày hôm qua thôi. Với tôi, giờ đây tuổi thơ chỉ còn trong hoài niệm, nó còn vương vấn trên những cành cam, cành quýt hay đã hòa vào gió mây ngoài đồng nội, nơi mà tôi cùng lũ bạn ngày xưa vẫn coi là chốn thiên đường của đời mình. Chẳng phải một nhà văn người Pháp đã viết rằng: “Thời thơ ấu cũng như một cơn say, ta từng đắm chìm trong đó, cười cũng có, khóc cũng có nhưng sau cơn say ta lại lãng quên tất cả”. Giờ đây tôi cũng trưởng thành rồi, tôi cũng thèm tuổi thơ lắm cứ như một đứa trẻ đói lòng mà thiếu sữa mẹ vậy. Bỗng một ngày, tôi tình cờ tìm lại tuổi thơ tưởng chừng như đã biến mất của mình khi thấy chính tôi trên những trang sách cũ. Đó là tác phẩm “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” của Nguyễn Nhật Ánh.
Quả thật, tôi thấy đã bắt gặp tuổi thơ của chính mình trong “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Mỗi lần đọc lại tác phẩm, tôi có cảm tưởng như mình vừa bắt một chuyến tàu về tuổi thơ vậy. Lối văn của bác Ánh vẫn vậy, chẳng bao giờ thay đổi, luôn như thế và mãi mãi như thế, cứ bình thản, mộc mạc mà chân thành. Nó như một dòng sông trong trẻo gột rửa tâm hồn ta bằng những câu chuyện làng quê, ngây ngô nhưng đầy thi vị tình người, tôi yêu bác Ánh cũng vì lẽ đó.
“Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ” được xất bản lần đầu tiên vào năm 2008. Cuốn sách đã lập tức gây được tiếng vang lớn cả trong và ngoài nước với câu nói như một lời khẳng định cái tôi riêng của Nguyễn Nhật Ánh được in ở cuối sách: “ Tôi viết cuốn sách này không dành cho trẻ em, tôi viết cho những ai từng là trẻ em”. Với nội dung ngộ nghĩnh nhưng đầy sâu sắc, tác phẩm đã đại diện cho Việt Nam nhận được giải thưởng ASEAN lần thứ 11 năm 2010.
Câu chuyện được mở đầu bằng một nhận xét rất đời của cậu nhóc 8 tuổi tên Mùi: “Cuộc sống thật buồn cười và tẻ nhạt”. Cậu chợt nhận ra cuộc sống này thật vô vị, như một chiếc vòng luẩn quẩn vậy từ nhà đến trường học, từ phòng ngủ đến phòng học và lại từ chiếc bàn ăn đến bàn học. Cậu chán ngắt cái cảnh ngồi ê a tụng một bài đến rả cả họng, chán những giờ học mà cậu vẫn nôm na gọi là giờ “mài đũng quần trên ghế nhà trường”. Cậu đã cùng với những người bạn gồm Hải Cò, Tí Sún và Tiến làm những nhà cách mạng tí hon khi chúng không gọi con gà là con gà, cuốn tập là cuốn tập, 2 nhân 4 không phải 8 mà quyết định rằng đi chợ hay đi ngủ, chiếc cặp thành chiếc giếng và 2 nhân 4 sẽ trở thành 10, còn thằng cu Mùi sẽ được gọi là thầy hiệu trưởng. Tụi nó nghĩ thật ngây ngô rằng: “Nếu người đầu tiên gọi con chó là bàn ủi thì bây giờ chúng ta cũng gọi nó là bàn ủi. chỉ toàn là a dua, thật ngu ngốc. Rồi chúng lại còn đi tìm cả kho báu nữa, chẳng phải trong chúng ta lúc bé ai cũng tin rằng có kho báu thực hay sao? Nhưng rồi những trò chơi của chúng cũng phải châm dứt chỉ vì người lớn. Trong giờ học, thằng Hải Cò buột miệng kêu: “Thầy hiệu trưởng đã bị em vật ngã xuống đất, nên giờ không đi học được”. Để sau đó, cả đám lên phòng hội đồng uống trà cả buổi trời. Cả đám lại bị ăn một trận đòn nhớ đời khi đã phá tan hoang vườn mận nhà thằng Hải để tìm kho báu. Chúng lại buồn bã và ôm gương mặt sưng húp của mình mếu máo rằng: “Người lớn thật lạ, tại sao họ luôn đúng cơ chứ”. Và chúng lại tự buồn bã an ủi rằng: “ Người lớn thật cứng nhắc, họ chỉ đang ghen tị với kho báu vô giá của trẻ con thôi, đó chính là óc tưởng tượng”.
Có lẽ rằng, bạn sẽ thấy một phần tuổi thơ của mình trong cuốn sách. Có thể, tuổi thơ của bạn sẽ khác hơn, đẹp hơn và màu nhiệm hơn như thế. Nhưng dù là một tuổi thơ như thế nào đi nữa, thì tôi tin đó là khoảng thời gian êm đềm nhất. Phải chăng tuổi thơ là miền đất hứa xa xăm mà tất cả chúng ta đã trót để lại sau một ngày háo hức khám phá thế giới của người lớn, để rồi cay đắng thốt lên rằng: “Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”. Lúc đó chúng ta đã qua thời trẻ con như nhà văn đã nói và lúc này cuốn sách sẽ góp lại những hoài niệm, sẽ chắp vá những mảnh ghép tuổi thơ để tạo nên một bức tranh tuyệt tác của tuổi thơ. Chẳng phải bạn đã từng thả diều nhưng liệu còn nhớ cách thả diều, từng bắn bi nhưng có nhớ cách bắn bi như thế nào không? Tôi dám cá rằng, bạn đã biết chúng, đã từng đam mê với chúng chỉ có điều mọi bộn bề cuộc sống đã làm ta quên mất nó. Cuộc sống thật lắm bề bộn học hành và công việc làm cho con người ta chìm vào một mớ hỗn độn trong tâm hồn để rồi không biết mình sẽ làm gì mình là ai? Những lúc ấy lại thèm lắm tiếng cười của trẻ con, muốn quay về cái khoảng đất trống mà năm nào cùng chúng bạn nghe tiếng chim, tiếng ve vào những buổi trưa hè nhưng mãi mãi không quay lại được. Lúc này bạn nên đọc cuốn sách “ Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ”, tôi tin rằng bạn sẽ trở về thành phố của tuổi thơ, bạn sẽ đi trên một chuyến tàu đầy màu nhiệm để tìm về, để được sống lại khoảng thời gian rất đỗi bình dị mà ngọt ngào.
Tôi vẫn nhớ hoài một đoạn trang cuối sách rằng: “để sống tốt hơn đôi khi chúng ta phải học làm trẻ con trước khi học làm người lớn”. Quả thật vậy, giữa một cuộc sống xô bồ,tấp nập, con người ta cần dừng lại, để suy nghĩ và chiêm nghiệm về cuộc đời mình, để thấy cuộc sống thật đẹp và rạng rỡ biết chừng nào!
Phạm Đình Phúc – Lớp 11B2 – THPT Krông Nô