Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô (Đắk Nông) – Phong phú tiềm năng du lịch

Lượt xem:

Đọc bài viết

Với diện tích khoảng 2.000 km2, Công viên Địa chất Núi lửa (CVĐCNL) Krông Nô trải dài từ huyện Krông Nô kéo sang một số xã lân cận của các huyện Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa.

   Với diện tích khoảng 2.000 km2, Công viên Địa chất Núi lửa (CVĐCNL) Krông Nô trải dài từ huyện Krông Nô kéo sang một số xã lân cận của các huyện Chư Jút, Đắk Mil, Đắk Song, Đắk Glong, thị xã Gia Nghĩa.

   Trong Công viên có hàng chục hang động lớn nhỏ khác nhau với tổng chiều dài khoảng 25 km từ miệng núi lửa Buôn Choáh dọc theo sông Sêrêpốk đến khu vực thác Đray Sáp. CVĐCNL Krông Nô hiện hữu tới 7/10 kiểu di sản địa chất theo phân loại của UNESCO và được đánh giá là hang động dung nham dài và đẹp nhất Đông Nam Á.

   Điều đáng nói là, CVĐCNL Krông Nô đang sở hữu rất nhiều thắng cảnh nổi tiếng. Trước hết là dòng sông Sêprêpốk hùng vĩ như dải lụa trắng ở vành đai phía bắc Công viên với hàng chục ngọn thác lớn nhỏ. Phía hạ nguồn sông Sêprêpốk, thác Trinh Nữ với những tảng đá bazan dạng cột to lớn màu đen có tuổi địa chất từ 2 đến 5 triệu năm giữa dòng sông, hoặc nhô ra từ bờ mang những hình thù lạ mắt.

Công viên Địa chất Núi lửa Krông Nô (Đắk Nông) - Phong phú tiềm năng du lịch - Ảnh 1

   Ngược lên phía thượng nguồn vài km là thác Đray Sáp với độ cao khoảng 50m, trải dài gần 100m, chặn ngang dòng sông Sêprêpốk. Bên cạnh thác Đray Sáp là thác Gia Long có độ cao khoảng 40m, chiều dài 40m, chiều rộng mặt thác khoảng 30m. Cạnh thác là hồ tắm tiên rộng 80m2 và một hang động tự nhiên rất đẹp.

   Đray Sáp và Gia Long nổi tiếng là 2 ngọn thác đẹp và hùng vĩ bậc nhất của Tây Nguyên. Hồ Ea Snô diện tích rộng 80ha phía cuối thượng nguồn và liên thông với dòng Sêprêpốk là một hồ nước tự nhiên hoang sơ, sơn thủy hữu tình, xung quanh là cánh rừng đặc dụng với nhiều loại cây, loài thú quý hiếm.

   Khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung (núi sừng trâu) diện tích khoảng 12.300 ha có đỉnh cao nhất là 1.500m và đây cũng là đỉnh cao nhất của vùng Nam Tây Nguyên. Nâm Nung được xem là “nóc nhà” của Đắk Nông với mái nhà bắc nghiêng về dòng sông Sêrêpốk và mái nhà nam nghiêng về thượng nguồn sông Đồng Nai.

    Từ đỉnh Nâm Nung, những dòng suối đổ xuống, tạo nên thác Ba tầng, thác Bảy tầng tùy theo số lượng bậc thang trên dòng nước. Phần lớn diện tích của Khu bảo tồn là rừng nguyên sinh với nhiều chủng loại cây lớn, chủ yếu là sao đen, bằng lăng, dầu…

   Khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng với đỉnh cao nhất 1.982m, nằm giữa cao nguyên M’nông và cao nguyên Di Linh thuộc là điểm giao thoa địa lý và sinh học giữa khu vực Nam Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ. Nơi đây có hệ thống sông Đồng Nai chảy qua và nhà máy thủy điện Đồng Nai 3, 4 tạo ra những hồ nước có diện tích khoảng 3.620ha đã hình thành nên 36 hòn đảo lớn nhỏ, đẹp như một vịnh Hạ Long trên cạn.

   Bên trong khu rừng là dòng suối Đắk Nteng chảy qua tạo thành hai ngọn thác hấp dẫn và kỳ bí. Đây cũng là khu vực có sự đa dạng sinh học với trên 1.000 loài động thực vật, trong đó nhiều loài có tên trong sách đỏ Việt Nam và thế giới.

   Quần thể CVĐCNL Krông Nô còn là khu vực có bề dày lịch sử, với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể sẵn có như: Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Sử thi Ot N’rong, hệ thống văn hóa lễ hội, dệt thổ cẩm… Đường mòn Hồ Chí Minh, di tích khu căn cứ kháng chiến Nâm Nung trong kháng chiến chống Mỹ, di tích anh hùng N’Trang Lơng, N’Trang Gưh thời kỳ chống pháp đầu những năm thế kỷ XX…

   Đặc biệt vừa qua, nhiều di vật khảo cổ là bằng chứng con người tiền sử sinh sống tại đây được tìm thấy trong hang động núi lửa Krông Nô từ hậu kỳ đồ đá cũ (6.000 năm) đến hậu kỳ đá mới và sơ kỳ kim khí (4.000 – 3.000 năm) làm cho vùng đất huyền thoại này thêm phần hấp dẫn.

   Một vùng đất đa dạng về địa chất và di sản địa chất, đa dạng về sinh học, đa dạng về xã hội và di sản văn hóa như nói trên đã hội tụ đầy đủ các tiêu chí của một CVĐC toàn cầu. Điều đáng nói là, quần thể CVĐCNL Krông Nô hiện có đến 6/8 di tích quốc gia, trong đó có hai di tích thắng cảnh quốc gia nổi tiếng là thắng cảnh thác Đray Sáp và thắng cảnh thác Gia Long. Đặc biệt, gần như toàn bộ khu bảo tồn thiên nhiên Nâm Nung và một phần lớn khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng nằm trong khu vực CVĐCNL Krông Nô. Thiên nhiên hùng vĩ nơi đây lại nổi tiếng hơn bao giờ hết bởi hệ thống hang động núi lửa mới phát hiện được đánh giá dài và đẹp nhất Đông Nam Á mới được phát hiện những năm gần đây.

   Có thể nói không gian CVĐCNL Krông Nô thật tuyệt vời, rất lý tưởng để xây dựng mô hình du lịch sinh thái và văn hóa. Những năm qua, hầu hết các danh thắng và khu bảo tồn thiên nhiên trong khu vực CVĐCNL Krông Nô đều đã được khai thác làm có cơ sở du lịch.

   Tuy nhiên, tại các cơ sở du lịch nói trên quy mô và nguồn lực đầu tư còn rất nhỏ bé; nhiều dự án thu hút, đầu tư vào du lịch thời gian qua chưa mang lại hiệu quả; quá trình đầu tư lại dàn trải, manh mún, các sản phẩm du lịch đặc trưng cụ thể không rõ nét; thiếu chiến lược phát triển hiệu quả, các hình thức quảng bá du lịch hiệu quả thấp… Có thể nói, CVĐCNL Krông Nô hiện vẫn như một nàng tiên đang ngủ và cần phải thức dậy tiềm năng.

   Tới đây để xây dựng phát triển CVĐCNL Krông Nô và khai thác phát triển du lịch còn rất nhiều việc phải làm, nhất là thu hút đầu tư phát triển du lịch. Nhiệm vụ quan trọng trước mắt là hoàn thành hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận CVĐC toàn cầu; xây dựng tổ chức bộ máy Ban quản lý để chuyên trách và thức đẩy công việc; quy hoạch và thông tin quảng bá về tiềm năng, giá trị nhiều mặt của CVĐCNL Krông Nô…/.

Nguồn: baomoi.com