Chương trình môn Địa lý sẽ dành 50% thời lượng cho thực hành

Lượt xem:

Đọc bài viết

Học sinh sẽ được học ngoài thiên nhiên, ngoài môi trường lớp học, gắn bài học địa lý với thực tiễn địa phương, đất nước.

Trong Chương trình giáo dục phổ thông, giáo dục địa lý được thực hiện liên tục ở ba cấp học, thông qua các môn Tự nhiên và Xã hội (lớp 1-3), Lịch sử và Địa lý (lớp 4-9), Địa lý (lớp 10-12).

Ở cấp THPT, Địa lý là môn học tự chọn với mục tiêu giúp học sinh nắm được những đặc điểm tổng quát của khoa học Địa lý, các ngành nghề có liên quan và có khả năng ứng dụng kiến thức địa lý trong đời sống…

Chương trình đặt ra yêu cầu hình thành và phát triển cho học sinh một số năng lực đặc thù như: nhận thức theo quan điểm không gian; giải thích các hiện tượng và quá trình địa lý; sử dụng công cụ của Địa lý học và tổ chức học tập thực địa; thu thập, xử lý và viết báo cáo truyền đạt thông tin địa lý; vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn. Các năng lực này được phát triển từ thấp đến cao và được biểu hiện chi tiết ở các lớp 10-12.

Chương trình môn Địa lý mới dành thời lượng 50% cho thực hành.

Chương trình môn Địa lý mới dành thời lượng 50% cho thực hành.

Điểm đặc biệt trong quan điểm xây dựng chương trình môn Địa lý mới là coi trọng thực hành, xem đây là nội dung quan trọng và là công cụ thiết thực để phát triển năng lực học sinh. Do đó, nội dung này được dành 50% thời gian thực học của chương trình.

Chương trình cũng đề cao việc tích hợp và coi trọng tất cả mức độ và loại hình tích hợp. Ví dụ, chương trình có sự tích hợp kiến thức giữa địa lý tự nhiên, địa lý dân cư, xã hội và địa lý kinh tế trong môn học; lồng ghép/liên hệ nội dung liên quan như giáo dục dân số, môi trường, di sản, an toàn giao thông…

Kiến thức các môn học khác như Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử… cũng được đưa vào để làm sáng rõ kiến thức địa lý. Chương trình có sự xuất hiện của các chủ đề có tính tích hợp cao như: phát triển kinh tế biển đảo, biến đổi khí hậu toàn cầu, đô thị hóa ở trên thế giới, văn minh lúa nước ở Đông Nam Á; di sản và bảo vệ, phát huy giá trị di sản trong thời kỳ công nghiệp hóa…

Về nội dung, chương trình môn Địa lý được thiết kế theo ba mạch: đại cương, thế giới, Việt Nam, từ lớp 10 đến lớp 12, gồm cả kiến thức về địa lý tự nhiên và địa lý kinh tế – xã hội. Bên cạnh nội dung giáo dục cốt lõi (chiếm 70 tiết/lớp/năm), trong mỗi năm học chương trình có một số chuyên đề (35 tiết/lớp/năm) cho các học sinh có thiên hướng khoa học xã hội và nhân văn được tìm hiểu sâu hơn, đáp ứng yêu cầu định hướng nghề nghiệp.

Với 50% thời lượng dành cho thực hành, chương trình tăng cường các hình thức dạy học gắn với thực tiễn địa phương, hợp tác nhóm; tích cực thực hiện hoạt động trải nghiệm trong dạy học trên lớp và ngoài lớp; mở rộng việc dạy học ngoài thiên nhiên, ngoài môi trường lớp học. Chương trình cũng gắn bài học địa lý với thực tiễn địa phương, đất nước; khuyến khích việc vận dụng kiến thức vào việc giải quyết các vấn đề về môi trường, kinh tế – xã hội tại địa phương.

Dự thảo chương trình môn Địa lý sắp được công bố cùng với các môn học khác để lấy kiến rộng rãi dư luận trước khi ban hành. Theo nghị quyết của Quốc hội, chậm nhất từ năm học 2020-2021 chương trình sách giáo khoa mới được áp dụng đối với cấp tiểu học, từ năm học 2021-2022 đối với cấp THCS và từ năm học 2022-2023 đối với cấp THPT.

– Nguồn: vnexpress.net –