CÔ GIÁO CỦA TÔI (Bài viết chào mừng ngày Quốc tế phụ nữ 8/3)

Lượt xem:

Đọc bài viết

 

 Ảnh: Cô giáo Hoàng Thảo Nguyên.

   Cuộc đời tôi, đến giờ phút này, tôi có rất nhiều người phụ nữ phải cảm ơn; có rất nhiều người phụ nữ có ảnh hưởng tích cực đến cuộc sống của tôi, giúp tôi trưởng thành về mọi mặt. Trong số những người phụ nữ đó, mẹ tôi đương nhiên là người có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất, sâu sắc nhất, nhưng trong bài viết này, tôi muốn viết về người phụ nữ khác – cô giáo của tôi. Trong quá trình học tập từ khi còn tấm bé đến nay, tôi có rất nhiều cô giáo, nhưng người để lại trong tôi niềm cảm phục, quý mến nhất là cô giáo đã hướng dẫn tôi làm luận văn Thạc sỹ  – cô Hoàng Thảo Nguyên.

   Trong thời gian học Cao học ở ĐHSP Huế (2008 – 2010), tôi được học một chuyên đề do cô giảng dạy và vinh dự được cô hướng dẫn viết đề tài luận văn Thạc sỹ. Được làm học trò của cô là một niềm vinh dự lớn cho tôi – và có lẽ không chỉ riêng tôi, mà cả 11 thành viên lớp Lý luận và Phương pháp dạy học Văn – Tiếng Việt khóa 17 đều có cảm nhận như vậy. Là học trò của cô, tôi vừa tiếp thu được khối lượng lớn về kiến thức môn học, vừa học hỏi được rất nhiều điều về cách giao tiếp, ứng xử trong cuộc sống. Cô từng nói với chúng tôi: cách đối nhân xử thế rất quan trọng, nó có thể quyết định đến sự thành công hay thất bại trong công việc của mỗi người; kỹ năng giao tiếp tốt có thế tạo nên những bước ngoặt tích cực trong cuộc sống. Cô luôn hướng chúng tôi đến lối sống đẹp ở đời, thậm chí còn “giải đáp thắc mắc” cho một số anh chị trong các mối quan hệ mẹ chồng – nàng dâu, dạy cho chúng tôi cách nói năng, đối xử với hai bên gia đình nội, ngoại như thế nào cho phải lẽ, … Để minh chứng cho tầm quan trọng của cách đối nhân xử thế trong cuộc sống, cô còn dẫn câu nói của Spinara: “Trái tim không thể chinh phục bằng vũ lực, mà chính bởi tình yêu thương và lòng khoan dung”. Chính tình cảm chân thành, sự quan tâm thật lòng, sự bao dung, rộng lượng sẽ giúp chúng ta chiếm được tình cảm của bạn bè, đồng nghiệp và “chinh phục” được trái tim mọi người. Vẫn là những ý có trong ca dao, tục ngữ đã được cha ông ta đúc kết từ nghìn đời:

– Lời nói chẳng mất tiền mua

Lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau.

– Vàng thì thử lửa, thử than

Chuông kêu thử tiếng, người ngoan thử lời.

– Nhiễu điều phủ lấy giá gương

Người trong một nước thì thương nhau cùng.

(…)

nhưng khi được thể hiện bằng lời tâm tình, khuyên bảo của cô đối với trò nó trở nên thiết thực, thấm thía biết bao. 

 Ảnh: Cô Hoàng Thảo Nguyên (người đầu tiên, tính từ trái qua) cùng các thành viên trong hội đồng bảo vệ luận văn và 11 học viên lớp LL&PP dạy học Văn – Tiếng Việt khóa 17 (ĐHSP Huế).

   Càng tiếp xúc, biết được hoàn cảnh gia đình cô, tôi càng ngưỡng mộ, khâm phục cô. Những năm 80 của thế kỷ trước nền kinh tế nước ta còn lạc hậu, công chức, viên chức sống hết sức chật vật, một nách hai đứa con nhỏ, cô phải một mình vật lộn với mọi công việc gia đình và xã hội (chồng làm công chức, với quan niệm gia trưởng nặng nề nên mọi việc nhà đều một tay cô lo liệu). Đã thế, cô còn phải chịu nhiều áp lực từ phía gia đình chồng do “sinh con một bề” (cô đã phải gánh chịu rất nhiều thiệt thòi do quan niệm “trọng nam khinh nữ” tồn tại dai dẳng trong xã hội ta từ bao thế kỷ nay). Có thể nói, vào thời điểm ấy, cả cuộc sống vật chất và tinh thần của cô đều ở mức độ … “báo động”. Tuy vậy, cô đã không đầu hàng trước khó khăn, mà luôn cố gắng vươn lên để khẳng định mình. Đối với gia đình chồng, cô vẫn một mực kính cẩn, lễ phép; đối với con cái, cô chăm sóc chu đáo; đối với công việc ở trường, cô luôn hoàn thành một cách xuất sắc. Có thể nói cô luôn xứng đáng với danh hiệu người phụ nữ “giỏi việc trường, đảm việc nhà”. Cô đã từng được Bộ GD&ĐT tặng Bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác Đào tạo giáo viên trung học cơ sở (Bằng khen do Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân ký).

Ảnh: Cô Hoàng Thảo Nguyên chúc mừng học viên (tác giả bài viết) bảo vệ luận văn thành công.

   Ở cô, điều làm tôi quý trọng nhất là tình yêu nghề, là tâm huyết với nghề sư phạm, là trách nhiệm với nền giáo dục, với thế hệ tương lai của đất nước. Chính tình yêu nghề đã giúp cô vượt qua tất cả khó khăn, thử thách. Cô kể rằng hồi nhỏ cô không nghĩ mình sẽ đi dạy học, nhưng cơ duyên lại dẫn cô vào trường sư phạm và cô lại dạy cái môn “linh hồn” của trường Sư phạm – đó là môn Phương pháp dạy học. Khi dạy chuyên đề cho lớp cao học chúng tôi, cô dốc mọi tâm huyết truyền lại cho chúng tôi những kiến thức, những kinh nghiệm, những “ngóc ngách” thú vị, khó khăn của nghề dạy học Ngữ văn. Khi tôi ra trường, cô trò vẫn thường xuyên liên lạc.

   Khi có khó khăn gì về chuyên môn, tôi lại điện thoại hoặc e-mail trao đổi với cô. Có lần cô cho tôi xem hai bức thư điện tử của cô và một người bạn. Hai bức thư ấy làm tôi càng cảm phục cô giáo của tôi –  đó là thư của cô gửi một người bạn cũ (hiện là Thư ký lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo) và thư trả lời. Tôi xin chép lại 2 bức thư đó:

   Ngày 15 tháng 7 năm 2011. Yến thương nhớ. Từ khi nghỉ hưu, chị làm việc ở một số trường Cao đẳng tư thục, lại có điều kiện đi xa, quan sát các trường ở khu vực Quảng Nam, chị có nhiều suy nghĩ về thực trạng giáo dục đại học ở nước ta, và chị chợt nhớ ra, mình cũng có “một người làm quan” để giãi bày tâm sự. Như đã nói với em, chị làm việc cho chị Đào ở 2 trường Đông Á, chị Đào là người rất tâm huyết với nghề, cho nên chị ấy đã tạo điều kiện cho chị phát huy tác dụng của chuyên gia chuyên ngành phương pháp dạy học. Qua việc dự giờ và tập huấn đổi mới phương pháp dạy học cho GV ở 3 trường (CĐ Phương Đông – QN, CĐCKN Đông Á – QN , Đại học Đông Á – Đà Nẵng), chị thấy rằng giảng viên rất lạc hậu về PPDH. Họ dạy không hơn thế kỷ XX là mấy, chỉ có khác chút là có công nghệ thông tin. Chủ yếu là thuyết trình, diễn giảng. Chị nghĩ rằng tình trạng này không chỉ có 3 trường trên đây. Tình trạng  đó làm cho giáo dục Việt Nam trì trệ, không theo kịp được các nước trên thế giới. Các PPDH tích cực thì đã có, nhưng chủ yếu là ở các trường sư phạm, các dự án như “Đào tạo giáo viên tiểu học”, “Đào tạo giáo viên THCS”… đã thổi một luồng sinh khí mới cho GD VN, nhưng tác dụng của nó chỉ đóng khung trong các trường sư phạm. Trong khi  tỷ lệ các trường sư phạm không phải lớn so với hệ thống trường đại học, cao đẳng ở VN. Ở các trường khác, tình trạng dạy học lạc hậu về phương pháp còn rất phổ biến, sản phẩm đào tạo của nước ta  mãi thấp kém, không theo kịp thiên hạ… Cái kiểu viết giáo trình cho sinh viên như cô Lê Phương Nga mà chị em mình vẫn dạy còn xa lạ với rất nhiều trường…

   Nhưng làm sao để đẩy mạnh dạy học tích cực trong các trường đại học, CĐ ở nước ta, thực trạng của nó như thế nào? Ở vai trò cá nhân, chị chỉ có thể viết một bài báo cho Tạp chí Giáo dục (mà có mấy ai đọc, mấy ai quan tâm thực hiện), hoặc tập huấn cho GV trong phạm vi hẹp. Nhưng còn cả nền GD của nước ta thì sao? Chị nghĩ em có thể tham mưu cho các sếp: cần có một cuộc điều tra, xác định thực chất thực trạng tình hình đổi mới PPDH cho các trường CĐ ĐH trong cả nước.

   Bây giờ chạy theo lợi nhuận, trường nào cũng cố tuyển sinh cho được nhiều, quảng bá cho rầm rộ… chẳng mấy ai quan tâm đến việc thầy trò làm gì trên lớp, và hậu quả thì đã rõ. Ở nước ta bây giờ, những ai có điều kiện cho con đi học nước ngoài thì người ta đều cho con đi, chỉ con em nhân dân lao động thì… học trong nước để phải chịu cảnh dạy học thụ động, kém chất lượng mà thôi. Tập huấn cho GV các chuyên đề dạy học tích cực, nhận thức của GV nâng lên, chất lượng giờ dạy bắt đầu khởi sắc, điều đó làm cho chị tin tưởng nếu nhân rộng mô hình tác dụng của nó rất lớn và cũng không đến nỗi khó làm…

   Đó là tâm sự, là gửi gắm, trông cậy của một người dân, của GV đến lãnh đạo đó em à. Tranh thủ thời gian lưu tâm đến ý kiến của chị nhé.

   Cảm ơn em, chúc em luôn khỏe, đóng góp được ngày càng nhiều cho nền giáo dục nước nhà. Cho chị gửi lời thăm Cảnh và các con nhé. Tạm biệt em, hẹn gặp lại.

Và thư hồi đáp như sau:  Gửi chị.

Em đã đọc thư của chị, một người rất tâm huyết và có trách nhiệm với nghề.

Em rất hiểu những tâm sự của chị, vì bản thân em cũng theo nghiệp ấy mà. Em sẽ trao đổi, tham mưu với các sếp khi có cơ hội.

Chúc chị khỏe, trẻ, cống hiến nhiều hơn nữa cho nghề, vì “đã mang cái nghiệp vào thân”… Hẹn gặp lại chị dù có bao lâu. Em Yến.

   Cô giáo của tôi là vậy đó, mãi đau đáu với nghề. Cô là tấm gương cho tôi về trách nhiệm trước thế hệ trẻ. Tôi sẽ cố gắng thực hiện những mong ước của cô, để xứng đáng là học trò “cưng” của cô. 

                                      Đăk Mâm, ngày 9, tháng 4, năm 2014. 

                                                          Nguyễn Thị Thu Thủy