VÌ SAO KHỈ ĂN LÚA, VƯỢN ĂN TRÁI CÂY

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chuyện kể rằng ngày xưa, Vuợn và Khỉ là con cùng cha khác mẹ. Riêng Vượn siêng năng, còn Khỉ thì lười nhác. Một lần Khỉ, Vượn rủ nhau đi làm rẫy, nhưng lúc vào rừng, thấy nhiều cây quá, Khỉ chán nản chẳng muốn làm. Vượn phát cây xong, đang dọn rẫy, Khỉ mon men đến hỏi:

– Giờ anh phát rẫy thế này thì chừng nào ăn được?

Vượn trả lời:

– Đầu tiên là phát cây, phát xong để khô, khô xong gom lại, gom xong đốt, đốt xong trỉa, trỉa xong làm cỏ, chăm sóc, giữ thú, đuổi chim. Lúc chín thì hái, đem về phơi, phơi khô giã thóc, giã thành gạo đổ vào nồi, nấu ra cơm mới ăn được.

Nghe xong, Khỉ ngao ngán thở dài:

– Lâu quá! Biết chừng nào ăn? Anh không thấy đói bụng à? Tôi bây giờ vào rừng kiếm trái cây ăn trước. Làm nhiều bụng đói, gặp Khỉ cám dỗ, Vượn cùng đi. Nhưng lúc đi, Vượn cứ đi thẳng, gặp trái cây gì ăn trái đó. Riêng Khỉ đang đi, gặp rẫy lúa sớm chín vàng ghé vào ăn lén. Thấy ngon hơn tất cả các trái cây rừng, nên từ đó Khỉ chuyên đi ăn lúa. Bao giờ lúa trơ gốc, Khỉ mới lại đi tìm trái cây ăn. Chỉ tội cho Vượn chưa gặp lúa lúc nào nên mãi đến ngày nay Vượn vẫn không biết ăn một lá lúa.

 

Người kể: Điểu Hùng

(Trích Truyện cổ các dân tộc Tây Nguyên, Nhiều tác giả, NXB Văn hóa dân tộc, trang 381-382)