CÂU CHUYỆN CHIÊNG BIẾT NÓI

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày xưa, vợ chồng Ka Vàng và K’Rđơm sinh được 4 anh em và đặt tên là Dờn, Thoòng, Thơ và Thê. Họ sống yên ổn trong một buôn làng nằm lọt thỏm giữa khu rừng rậm.

Bốn người con của Ka Vàng và K’Rđơm càng lớn càng ăn khoẻ. Chẳng mấy chốc, cả một nương ngô trên rẫy của hai vợ chồng hết nhẵn vì bốn cái miệng của lũ con. Mùa trước nối liền vụ sau nhưng cái nồi trong nhà họ chẳng bao giờ đầy lên được. Hết vụ bắp, hai vợ chồng tất tả lên nương lúa chọc tỉa hạt lúa. Vừa qua mùa rau. Hết ngày này đến ngày khác, hết năm này đến năm khác, hai vợ chồng họ cứ thế quần quật lo cho bữa ăn. Ấy thế nhưng đói vẫn đói.

Trong khi đó, cả bốn anh em Dòn, Thoòng, Thơ và Thê thì ngày càng lớn nhanh như thổi và sức ăn mấy cũng chẳng no. Bốn anh em ăn nhiều nhưng rất lười biếng. Cứ ăn xong, mỗi người tìm một nơi để chơi bời, mặc cho bố mẹ lặn lội hết nương xa đến rẫy gần, Dờn nói với lũ em:

– Ta lớn nhất trong số anh em nên chưa có quyền được không làm gì cả!

Đứa em út Thê thì bảo:

– Tôi là người nhỏ nhất nên phải được quyền ưu tiên không làm gì cả!

Hai người con giữa là Thoòng và Thê cũng chẳng vừa:

– Hai người, một người lớn nhất và một người nhỏ nhất không làm gì cả thì chúng tôi đứng ở giữa cũng không làm gì cả vậy!

Cứ thế họ đùn đẩy trách nhiệm cho nhau và không ai chịu lên nương với bố hay xuống suối cùng mẹ. Cứ sáng ra, khi mặt trời ngô hẳn lên trên đỉnh núi, họ mới lồm cồm chui ra khỏi chăn và vào ngay bếp. Ăn xong, mỗi người lẻn đi một đường. Tối về họ lại lăn xả đến bên bếp và ngấu nghiến ăn. Ăn xong, khi con gà rừng chưa kịp về ổ thì họ đã tìm một góc nhà để lăn kềnh ra ngủ.

Một mùa rẫy trôi qua. Hai mùa rẫy trôi qua. Nhiều mùa rẫy trôi qua. Bốn anh em nhà họ bây giờ đã là những chàng trai, cô gái lớn phổng nhưng vô cùng biếng nhác. Trong khi đó, mẹ Ka Vàng và bố K’Rđơm của họ ngày một già trông rõ. Lưng còng, chân mỏi, bố mẹ chẳng thể lên nương, xuống suối. Thế nhưng lũ con thì vẫn lười. Dân làng chẳng ai thèm đến ngôi nhà chắp vá tuềnh toàng của họ. Ngày dân làng dời đi theo vụ rẫy, bố mẹ K’Rđơm – KaVàng chẳng còn mặt mũi nào vác xà gạt đi theo. Gia đình họ bởi thế bị bỏ lại giữa vùng sâu với bốn bề thú dữ và với vài vạt nương cằn cỗi.

Một ngày nọ, cái ăn của cả nhà thực sự không còn gì. Người mẹ tập trung mấy đứa con lại và bảo:

– Nếu mãi như thế này thì cả nhà ta chết mất. Bởi thế nên sáng mai, khi mặt trời chưa ló ra khỏi núi, mỗi người phải vào rừng để tìm một thứ gì đó ăn được để mang về.

Đến lúc này, vì đói quá nên cả bốn người con đều đồng ý. Sáng sớm hôm sau, khi con gà rừng vừa cất tiếng gáy đầu, cả nhà sáu con người ấy đã đi ra khỏi cửa. Họ cứ thế mải miết đi. Bảy ngày trôi qua. Sáu con người ấy cũng đã vượt qua bảy ngọn núi và bảy con suối. Mệt và đói. Mỗi người ở một góc rừng. Người mẹ Ka Vàng lả người tựa lưng vào một tảng đá to và ngủ. Người bố K’Rđơm cất không nổi bước chân nên đành gác đầu lên hòn đá nhỏ bên suối và ngủ. Cả bốn người con Dớn, Thoòng, Thơ và Thê cũng thế. Bảy ngọn núi cao và bảy con suối sâu đã làm cho họ kiệt sức và nằm vật bên vệ cỏ. Họ ngước đầu nhìn lên, chỉ thấy trời xanh leo lẻo và rừng xanh ngút ngát. Gió rít qua ngàn cây, thôi thốc vào lưng trần và buốt cắt thịt da. Tiếng con hoẵng con nai tít đằng xa chẳng giúp cho họ no cái bụng và ấm cái lưng.

Không biết họ ngủ như thế giữa rừng già bao nhiêu lâu. Đến khi tỉnh giấc thì họ thấy bao quanh mình là màn đêm đen kịt. Nhưng cả sáu người đều trải qua một giấc mơ. Trong mơ, họ thấy một vị Yang hiện ra và nói rằng thứ cần tìm đã tìm thấy. Nhưng màn đêm thì đen quá. Bà mẹ Ka Vàng cố căng mắt nhìn lên tảng đá gối đầu. Bố K’Rđơm lấy hết sức nâng cánh tay quờ bên mép suối. Còn lũ con thì chỉ còn đủ khoẻ để nhấc mình sang một bên.Và lạ lùng thay, khi tay họ vừa chạm vào một vật gì đó thì bỗng dưng loé sáng như là sự mách bảo rằng vật quý đã được tìm thấy. Cả mẹ Ka Vàng, bố K’Rđơm và lũ con Dờn, Thoòng, Thơ và Thê đều cố hết sức mang vật ấy trở về nhà. Họ lại vượt qua bảy ngọn núi và bảy con suối.

Mẹ Ka Vàng về nhà trước tiên, tiếp đến là bố K’Rđơm, kế theo là lũ con. Sau cuối là em út Thê. Cả sáu người đều mang về nhà một thứ giống nhau nhưng chỉ khác nhau ở sự lớn nhỏ. Đó là sáu chiếc khay đồng hình tròn có vành. Chiếc của mẹ Ka Vàng là lớn nhất. Chiếc của người con út Thê là nhỏ nhất. Họ đặt sáu thứ này bên cạnh nhau thì thấy nó rất giống nhau như bố mẹ và anh em một nhà nhưng ngặt nỗi là nó chẳng thể làm ra cơm gạo. Lã mệt vì quãng đường xa, cả gia đình sáu con người ấy ngủ thiếp đi. Và trong giấc ngủ, họ lại mơ. Trong mơ họ thấy sáu vị Yang từ trong chiếc khay tròn có vành ấy hiện ra và bảo với họ rằng ngày mai phải lên nương để chọc cái lỗ và tra cái hạt thì khay tròn mới “Cất tiếng nói làm cho cả nhà no ấm được. Nghe lời Yang, sáu con người trong gia đình ấy sáng ngày mai lên nương thật sớm. Đến tối khi về nhà, cả sáu chiếc khay đồng ấy đã nói được một tiếng. Ngày thứ hai, sáu vị Yang lại bảo cả nhà xuống suối. Ngày thứ ba bảo vào rừng đặt bẫy. Và cứ thế… Đến một ngày nọ, khi cả sáu chiếc khay tròn đều cất được tiếng nói thì cũng là lúc gia đình nọ đã có cái bắp trên rẫy, cái lúa trên nương, con cá dưới suối, cái thịt trong rừng, …

Hôm nọ, vào một đêm trăng, cả sáu người trong gia đình mang khay tròn ra giữa sân và cùng gõ vào đó. Khay của mẹ Ka Vàng có giọng trườn qua bảy suối, khay của bố K’Rđơm cũng có giọng trầm toả trên bảy ngọn núi. Tiếng khay của em út Thê thanh thoát nhất nên bay lên bảy tầng trời cao. Từ đó, cứ ngày lên nương lên rẫy, tối về cả gia đình họ lại đem khay đồng có vành tròn ra đánh để được mách bảo cách làm lụng để có cuộc sống ấm no. Cũng từ đó, bốn anh em nhà nọ không còn lười biếng như trước. Và, gia đình họ đã đi theo dân làng đến cái nương mới để dân làng cùng được hưởng “sự mách bảo” ấy!

Ngày nay, vật quý mà gia đình nọ tìm thấy giữa rừng sâu và mang về cho buôn làng chính là bộ chiêng droòng sáu chiếc có tên thứ tự từ lớn đến nhỏ là Vàng, Rđơm, Dờn, Thoòng, Thơ và Thê!

 

Người kể: Cô giáo H’Plơ, thôn Spa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil