CÂU CHUYỆN THỎ SA HỐ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Trong khu rừng già nọ có rất nhiều con vật chung sống với nhau một cách hoà bình. Bỗng một hôm xuất hiện một con thỏ láu cá làm cho hầu hết các con vật khác đều phải khiếp sợ bởi những trò ma mãnh của thỏ.

Hôm đó trời mưa lớn. Nhà của thỏ chỉ che vài miếng lá nên nước lêng láng làm ướt tất cả mọi thứ. Thỏ nghĩ ngay đến ngôi nhà xinh đẹp và chắc chắn của con cọp to xác nhưng khù khờ. Nó bứt một chiếc lá môn thật lớn che mưa đến nhà cọp. Đến trước nhà cọp, nó dừng lại bên một gốc cây to và huýt sáo. Mở cửa nhìn ra, cọp hỏi:

– Thỏ đang làm gì đấy?

Thỏ trả lời:

– Bác cọp to xác ơi! Bác không biết cái nhà di động của tôi sao? Nhà tôi phải đẹp hơn nhà bác nhiều lần đấy thôi!

Nói xong, thỏ lại huýt sáo và tung tẩy chiếc lá môn đang đội trên đầu. Mưa vẫn đỗ như trút nước. Cọp thấy hay hay nên gạ gẫm thỏ:

– Thỏ với mình đổi nhà cho nhau được không?

Thỏ vênh mặt:

– Nhà tôi có phép thần. Nhà bác cọp chỉ là nhà thường, sao mà đổi được!

Cọp lại năn nỉ. Cuối cùng, con thỏ ma mãnh cũng đồng ý. Sau khi vào nhà cọp, thỏ đóng chặt tất cả các cánh cửa. Còn con cọp lớn xác nhưng khù khờ thì chỉ mới loay hoay một tí cái nhà đã rách bươm. Ở giữa trời mưa, nó ướt như chuột lột nhưng đành hậm hực nuốt giận vì đã hứa đổi nhà.

Giữa trời mưa to, cọp liền chạy đến nhà rùa để cầu cứu:

– Bạn rùa ơi! Tôi lại bị con thỏ chết tiệc kia chơi khăm rồi! Bây giờ tôi không còn nhà để ở nữa! Rùa có cách gì giúp tôi trừ khử tên thỏ láu cá này được không?

Rùa và Cọp sau khi bàn tính kỹ, cọp trở lại nhà cũ của mình và gọi vào trong:

Thỏ đực ơi! Ở ngoài kia có một con thỏ cái không biết từ đâu đến mà cứ mãi gọi tên anh mà chửi rất thậm tệ. Con thỏ ấy còn thách rằng anh có giỏi thì ra “đánh nhau với nó chứ ai lại đi bắt nạt một con hổ khờ khạo như tôi. Anh thấy có ức không?

Tưởng thật, thỏ vội mở ngay cửa và hỏi lại:

– Con thỏ ấy như thế nào? Nó từ đâu đến? Nó chửi tôi như thế nào?

Cọp trả lời:

– Bụng nó tròn như cái ống tre. Nó có một cái miệng và trên miệng có đến sáu sợi râu. Râu nó căng cứng cứ mỗi lần sờ vào đấy là miệng nó cất tiếng chửi thỏ đực là đồ khốn nạn! Nếu thỏ đực không tin thì ra ngay chỗ của nó để xem thực hư như thế nào!

Nghe đến đây, máu trong người thỏ đực như sôi lên. Nó đạp cánh cửa thật mạnh rồi ra ngoài cùng với cọp đến nơi có… con thỏ cái!

Nói về con rùa, sau khi bàn tính với cọp, nó vội chạy ra rừng lồ ô và chặt một ống lồ ô to. Nó gọt dũa hai đầu thật kỹ rồi tách cật lồ ô thành 6 sợi dây căng lên. Xong, nó khoét ở giữa một rãnh trống như hình một cái miệng. Liền theo đó, rùa đào một cái hố thật sâu bên cạnh một gốc cây to và phủ lá lại. Xong đâu đó, con rùa nấp phía sau gốc cây.

Khi thỏ đực đến nơi, cọp chỉ vào ống lồ ô và bảo:

– Đấy, kia kìa! Con thỏ cái ấy từ sáng đến giờ cứ réo tên thỏ đực và chửi!

Thỏ đực tiến lại gần và lên tiếng:

– Này! Con thỏ cái chết tiệc kia! Mày ở đâu chui ra mà dám chửi ông cố nội mày? Có ngon thì lên tiếng cho tao nghe nào!

Đúng lúc này, con rùa nấp sau gốc cây to gảy vào một sợi dây của ống lồ ô và giả giọng the thé:

– Thỏ đực đi rông! Chẳng phải chồng nhưng cũng không phải vợ!

Thỏ đực nghe thế điên tiết bước lên một bước và nói:

– Mày dám chửi ông như thế hả? Mày từ đầu đến đây?

Con rùa lại gây tiếp sợi dây thứ hai và lại giả giọng:

– Thỏ đực vô công! Chẳng ai lấy làm chồng, chẳng ai lấy làm vợ!

Nghe thế, thỏ đực càng điên tiết. Nó lại tiến thêm một bước. Rùa lại gây thêm một sợi dây lồ ô. Rùa lại tiến sâu thêm một bước. Đến sợi dây thứ sáu thì thỏ rơi xuống hố sâu!

Đến lúc này rùa mới ra mặt. Biết mình mắc mưu rùa và cọp, nhưng biết rùa thông minh nên chờ rùa đi khuất, thỏ mới lên tiếng với cọp:

– Bác cọp ơi! Bác bị con rùa chết tiệc ấy nó lừa rồi! Bác biết không, trời sắp sửa sập xuống đây này! Bác ở trên đó coi chừng trời đè chết mất. Bác có cùng xuống với tôi thì may ra mới sống sót!

Thấy trời tiếp tục mây đen kéo đến và giông gió ầm ầm, tưởng thật, cọp phóng ngay xuống hố. Thừa cơ hội đó, thỏ leo lên lưng cọp và nhảy tót lên trên.

Về sau, cây “Con thỏ cái: có sáu sợi dây lồ ô đó được dân mang về và gảy cho vui tai. Đó là chiếc đàn định kliah (định dựt) của người thiểu số Tây Nguyên ngày nay!

 

Người kể: Cô giáo H’Plơ, thôn Spa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil