CHẶT ĐẦU LÂN
Lượt xem:
Vợ chồng Nra-Nrin ăn ở với nhau đã lâu lắm rồi vẫn chưa có con nối lòng. Họ buồn bã lắm!
Một ngày kia hai vợ chồng già ra rẫy. Như thường lệ, đến chòi, người vợ lo nhóm lửa, chồng đi quanh bìa rẫy xem xét thử đêm hôm có con thú nào phá rẫy không. Đi đến góc rẫy, ngay giữa đường vợ chồng bác thường đi múc nước, thấy có con heo rừng nằm chết, bác Nra gọi vợ:
– Ơ Nrin, Nrin ơi! Mau mau đến đây xem cái này!
Từ trong chòi bà Nrin lật đật vừa chạy ra vừa trả lời. Thấy con heo rừng rõ lớn, bà hỏi:
– Làm sao mà nó chết thế ông? Đã ăn lúa nhiều chưa? Ông đã bị nó cắn chưa? Ông đánh nó bằng cái gì? …
Bà Nrin hỏi dồn hỏi dập làm ông Nra sốt cả ruột mà nói:
– Bà hỏi cái gì mà lăng xăng quá. Nghe tôi nói đã, nào tôi có đánh đập gì nó. Tôi đến đây thì nó đã chết rồi, mà tìm khắp rẫy cũng không thấy dấu chân nó vào ăn lúa.
Bà Nrin ngắt lời:
– Thế sao con heo rừng nằm chết tại đây? Ai đã bắn mà không khiêng nó đi?
Hai ông bà NRa-Nrin bèn xem xét kỹ con heo rừng thấy có vết thương còn cả mũi tên xuyên qua hông. Biết rõ heo đã có chủ bắn. Nra lật đật chạy về buôn báo tin rằng ai đã bắn được con heo phải đến rẫy ông nhận thịt. Cả buôn làng từ lớn đến nhỏ chẳng ai nhận mình đã bắn vào lúc nào? Nra thắc mắc trở về chòi rẫy. Khi đã bàn bạc kỹ, vợ chồng NraNhin bèn mổ heo nướng thịt, cất giữ vào chòi và chờ người đến lấy. Chờ từ sáng đến trưa, chờ từ trưa đến chiều, từ chiều đến tối vẫn không thấy người nhận. Trước lúc về, vợ chồng bác Nra bèn để lại thịt gà luộc, bầu cơm nếp và buộc kín cửa. Hôm sau ra rẫy họ thấy cửa ngõ còn đóng chặt, buộc như cũ nhưng bầu cơm nếp và thịt gà luộc không còn nữa. Sự việc đó làm vợ chồng bác lo lắng hơn: “Ai hè? Sao thịt heo phơi khô không ăn, lại ăn hết cơm nếp, thịt gà…? Hay là thịt của thần linh muốn gửi…”. Nghĩ vậy rồi, bác Nra nói với vợ:
– Ta phải cúng nữa thôi, khi nào thần cho ăn mới ăn được.
Bàn tính vậy rồi vợ chồng bác Nra soạn sửa một con gà mái, ổ trứng luộc và ché rượu ngon dọn bày như hôm trước.
Hôm sau vợ chồng bác lại xuống rẫy. Cửa chòi mở toang, các món ăn bày cũng mới hết một phần, rượu cần mới cạn nửa ché. Trong khi tìm kiếm, kêu gọi khắp chòi, khắp rẫy vẫn không thấy có người lên tiếng. Như mọi lần bà Nrin lại đem lúa phơi khi mặt trời mọc. Bỗng từ phía trong bồ xuất hiện một chàng trai trẻ chắp tay với bà lia lịa. Sự lạ làm bà Nrin hốt hoảng bỏ chạy, vừa chạy vừa kêu:
– Nra! Nra ơi! Chết tôi rồi, cứu tôi mau lên!
Nra lật đật theo vợ vào bồ lúa. Vừa chắp tay vái lạy người con trai, Nra vừa lẩm bẩm khấn:
– Xin thần tha lỗi cho vợ chồng già này!… Xin thần tha lỗi…
Trong khi đó, chàng trai lại nói: “Không đâu, xin bác tha lỗi cho cháu”. Trong phút chốc họ nhìn ra nhau và Nra hỏi:
– Vậy cháu là ai? Từ đâu đến?
– Thưa ông thưa bà cháu là người có tội. Xin ông bà tha trước cho cháu sẽ kể hết đầu đuôi…
Bà Nrin đỡ lời:
– Không, cháu không có lỗi! Ra đây cùng tôi.
Nói vậy rồi vợ chồng Nrin vui mừng trải chiếu, dọn thuốc, mời cau như mời khách quý. Chàng trai kể rằng nhà mình ở xa, xa lắm. Rằng cha mẹ chết từ lâu và đến đâu cũng bị người ta xua đuổi. Răng ở mãi giữa rừng, chàng ước mong có ngày sẽ gặp cọp nhưng cọp cũng không buồn bắt chàng để ăn. “Ngày hôm qua hôm kia đấy, cháu bắn được heo, heo rừng cũng bỏ chạy, cháu phải lén ăn vụng ở chòi rẫy của ông bà…” Kể đến đây bà Nrin vội ngắt lời:
Thế bây giờ cháu định trốn đi đâu nữa? Có đi gặp cọp nữa không? Thôi đừng đi tìm cái chết nữa…
Vợ chồng Nra-Nrin nghẹn ngào, rưng rưng nước mắt. Họ nhận kẻ xấu số tên là N’Jong làm con và từ đó chàng không còn sống cảnh lưu lạc giữa rừng sâu nữa.
Ngày ngày N’Jong chăn trâu, hái rau, bắt cá. Cha mẹ nuôi của chàng hài lòng và sung sướng lắm. Một buổi sáng, ngồi bên bếp lửa, Nra lên tiếng gọi con:
– Ơ N’Jong, con cưng của cha! Lại đây cha có điều này muốn nhủ với con.
– Thưa cha, có điều gì vậy? – N’Jong hỏi.
– Con à, cha muốn dặn con, khi đi chăn trâu, con đừng lấy đá ở suối trước nhà mà ném nhé!
Chả là chiều hôm trước, N’Jong lúc đón trâu về chuồng đã dùng đá ném. Bảy ngọn đồi, ba ngọn núi suối đã qua, N’Jong vẫn ghi lòng tạc dạ bấy nhiêu lời cha dặn. Nhưng rồi chiều hôm sau, lúc ngang qua con suối trước nhà, hai con trâu đực của chàng húc nhau, N’Jong hoảng hốt nhặt đá liệng. Trong phút chốc đá đã xuyên qua ngực, đá đâm vào bụng, cặp trâu lăn đùng ra chết. Biết mình phạm lỗi, N’Jong buồn bã lặng lẽ về nhà trùm kín chăn. Thấy vậy bà Nrin lo lắng hỏi:
– Con làm sao vậy? Có bị ốm không?
N’Jong không trả lời được điều mẹ hỏi, chỉ nằm khóc. Biết chuyện không may, vợ chồng bà Nhin thức hết một đêm khuyên nhủ. Lần sau qua suối, chàng bực bội vì chuyện không may liền nhặt đá lên hỏi cóc. Cóc lấy đá sắt rèn cho chàng cái gươm bén không ai bằng. Tuy vậy chàng vẫn nhớ lời cha mẹ dặn, phải nhờ cóc giữ hộ và giấu kín.
Ở trong vùng có tin sắp sửa đến ngày tù trưởng Kông Kua phải đem con gái một xinh đẹp nhất của mình hiến cho Lân ăn thịt. Biết tin, một buổi sáng Nra gọi con đến bảo:
– Con à, cha muốn dặn con, khi con chăn trâu, không được đi câu cá dọc con suối Dak Mâm mà gặp nguy hiểm.
N’Jong nhớ lời cha nhưng chưa rõ đầu đuôi sự việc nên chàng quyết đi một lần xem thử. Đến giữa dòng suối Dak Mâm, thấy dưới nước có cô gái xinh đẹp, nhìn một hồi lâu chàng bèn lội xuống bắt. Nhưng bắt làm sao được cái bóng của người con gái! Mãi đến lúc ngước mặt lên trời, N’Jong mới thấy trên cây có cái chòi và người con gái chàng đã nhìn thấy dưới nước đang ngồi trong chòi. N’Jong cất tiếng hỏi:
– Ai ở trên cây đó? Làm gì mà phải ở một mình vậy?
Ở trên chòi, H’Jang buồn bã trả lời:
– Tôi là con gái của một tù trưởng buộc phải dâng cho con Lân ăn thịt để cứu dân làng. Anh không biết sao còn hỏi!
Nghe thấy chuyện lạ N’Jong lại hỏi:
– Vậy tôi lên trên ấy có được không?
– Không được đâu – H’Jang nói- Anh phải về đi. Không may con Lân thấy sẽ chết cả hai người đấy.
N’Jong vẫn chưa chịu về và hỏi:
– Thế chừng nào thì Lân đến ăn thịt?
– Nửa đêm hôm nay!
N’Jong lại hỏi cô gái sao không chịu trốn. Sợ trái ý cha nên H’Jang không có quyền làm như vậy. Biết rõ đầu đuôi, N’Jong bèn từ biệt cô gái xấu số và hẹn nửa đêm chàng sẽ đến.
Chiều ấy buộc trâu, cơm nước xong N’Jong không nói với ai một lời, vội vàng đi ngủ. Đợi mẹ Nrin, ba Nra ngủ say, chàng bèn thức dậy cầm gươm, nửa đi nửa chạy. Đến nơi chàng hồi hộp cất tiếng hỏi:
– Ơ H’Jang! Còn sống không? Con Lân đã đến chưa? Cho tôi cùng lên chết với…
Từ trên chòi cây, chỉ nghe tiếng H’Jang thì thào run rẩy:
– Chưa, chưa đến. Sắp sửa đến rồi. Anh hãy về, về với cha mẹ đi, đừng đến với em nữa…
Nhanh như con sóc, N’Jong trèo lên chòi và bảo sẽ cùng sống chết với cô gái. Sợ Lân nghe tiếng, họ phải ngồi im. Chưa được ba lần lấy hơi, con Lân ăn thịt người đã ngửi thấy mùi, vờn múa và trườn lên chòi. Đợi đầu Lân lên vừa tầm, N’Jong vung gươm chặt. Núi rừng cùng rung chuyển vì con Lân độc ác vùng vẫy. Cả buôn làng thức giấc, cha mẹ nàng H’Jang cũng kêu khóc đến long trời lở đất, tưởng con Lân đã ăn thịt nàng H’Jang.
Chặt đầu Lân xong, N’Jong vội vàng tụt xuống. Người con gái xấu số nắm chặt đuôi khố, chàng dùng gươm cắt đứt. Cầm trong tay vỏ gươm và đuôi khố, nước mắt nàng H’Jang cứ chảy tràn.
Mờ sáng hôm sau, dân làng kéo đến đông nghịt. Biết tin con Lân độc ác đã chết, con gái của mình đã được cứu sống, tù trưởng cha nàng H’Jang truyền lệnh rằng chính ông sẽ trao hết quyền lực và gả con gái quí của mình cho người đã cứu. Trai tráng trong làng ồ ạt kéo đến. Vậy nhưng trong tay H’Jang còn giữ đuôi khố và vỏ kiếm của chàng N’Jong.
Vị tù trưởng giàu mạnh gọi con nuôi của Nra- Nrin đến để ráp đuôi khố, so vỏ gươm thấy vừa như in. Tù trưởng liền gả con và trao quyền lại cho chúng.
Người kể: Điểu Kâu
(Trích Truyện cổ các dân tộc Tây Nguyên, Nhiều tác giả, NXB Văn hóa dân tộc, trang 395-401)