CHIM BỒ CÂU VÀ NGƯỜI THỢ SĂN
Lượt xem:
Ngày xưa, có một thợ săn trẻ thường ra rừng đặt bẫy bắt chim. Một hôm chàng bẫy được con chim bồ câu trắng muốt. Thấy chim đẹp quá, mang về nhà, chàng không nướng thịt mà đem bỏ vào lồng nuôi nấng.
Thực ra, con chim bồ câu trắng muốt kia là nàng tiên từ trời cao lạc đường sa xuống vướng vào bẫy, nên cứ ngày ngày, khi chàng thợ săn trẻ ra rừng làm rẫy, chim bồ câu ở nhà đã hóa thành cô gái xinh đẹp bước ra khỏi lồng và làm hết mọi công việc cho chàng trai. Ngày đầu tiên từ rẫy về, chàng ngạc nhiên, vui mừng thấy có người tốt bụng đã nấu cơm canh dọn sẵn cho mình. Ngày thứ hai chàng lại thấy có cả chăn mền, quần áo dệt sẵn… “Có người muốn thử lòng mình chăng”? Người thợ trẻ bèn đi hỏi khắp buôn xem ai là người đã gửi những thứ của cải quý ấy ở nhà mình lúc đi vắng? Tất cả dân làng đều ngạc nhiên vì làm sao người thường lại dệt được vải đẹp như thế! Hôm sau người thợ săn trẻ ở nhà, nấp trong buồng xem thử. Chưa cháy hết một mồi thuốc lá, chàng đã nghe tiếng động từ lồng chim. Trong phút chốc, không thấy chim bồ câu đâu nữa mà một cô gái xinh đẹp, áo quần rực rỡ, đi từng bước dài mềm mại, uyển chuyển, vừa đi nàng vừa để ý nhìn quanh, mắt như mắt con chim bồ câu. Khi không thấy ai xung quanh, nàng bắt đầu nấu nướng rồi đan dệt quần áo,… Bàn tay nàng thoăn thoắt, mắt nàng nhìn đăm đắm. Chàng thợ săn trẻ hắt hơi, rồi nín bặt. Nàng không biến hình kịp thành chim trong lồng được nữa! Họ sửng sốt nhìn nhau như lạ như quen rồi nàng tiên nói:
– Anh quá vội rình bắt em. Hết mùa rẫy này sẽ có ngày em sẽ kể hết sự việc cho anh biết đấy. Làm em cũng chưa kịp dệt xong chăn nữa… Vừa nói, nàng vừa sắp xếp tấm chăn đang dệt dở…
Chàng thợ săn trẻ mồ côi và nàng tiên trắng đẹp lạc từ trời cao xuống chuyện trò tâm sự đến sáng đêm. Hôm sau họ làm vợ chồng và ăn ở với nhau đã hết một mùa trăng, dân làng vẫn chưa ai hay biết. Chẳng bao lâu, nàng sinh ra một đứa con trai xinh đẹp. Họ sống với nhau thật no đủ, hạnh phúc… Một hôm người vợ đi gùi nước, không may gặp phải đàn trâu uống nước đầu nguồn suối. Nàng phải chờ suối trong mới múc được. Trong khi vắng mẹ, ở nhà đứa con lại khóc. Khóc đến nỗi người thợ săn không dỗ cho con nín được. Sự việc đó làm chàng tức giận. Vợ vừa gùi nước về chưa kịp hỏi han, chàng đã đánh vợ ngay từ cửa. Nàng ngồi ăn ẵm con không nói, khóc đúng bảy ngày bảy đêm sau chưa hết khóc. Một buổi sáng thức dậy, người vợ buồn bã nói:
– Bây giờ anh không muốn ở với tôi, đánh đập tôi, tôi phải về lại nhà cha mẹ. Ngày mai kia con nó lớn, anh ở với nó, đừng trách gì tôi nữa.
Nước mắt ròng ròng, nàng nhìn con và tay trao lại cho chồng. Người thợ săn chưa kịp đỡ lấy con, nàng đã oà khóc. Tiếng khóc bay vút lên, nàng biến thành con chim bồ câu trắng muốt trở lại trời cao. Người thợ săn trẻ cứ bế con đứng nhìn mãi cho đến khi chỉ còn thấy ánh sáng lấp la lấp lánh ở chiếc vòng đeo nơi cổ chân chim. Chàng gục đầu xuống hối hận vì việc làm nóng nảy của mình và ôm con ngồi khóc.
Hôm sau thức dậy, cảnh nhà vắng vẻ, người thợ săn hối tiếc và đi tìm vợ. Trên đường đi, chàng gặp một con bọ hung lổm ngổm bò ngang ra đứng giữa đường hỏi:
– Ở ông thợ săn, lâu ngày rồi mới được gặp ông! Mà sao vừa đi ông lại vừa khóc? Mấy lần trước gặp ông đâu có vậy?
Chàng thợ săn bực bội nói:
– Tôi khổ thế này mà ông còn trêu chọc được! Sao ông lại trêu chọc nỗi đau khổ của tôi!
Đừng trách, nếu anh cũng giúp tôi, tôi cũng có thể giúp anh được. Vợ anh lên ở trên trời với bố mẹ cô ấy chứ đâu!
Nghe đến vợ, người thợ săn dịu dàng hỏi:
– Tôi biết anh cần gì để giúp được? Bọ hung trả lời: – Một đống phân thôi. Ủi xong tôi đi ngay với anh.
Người thợ săn làm theo ý muốn của bọ hung rồi chàng mang con đi gửi ở nhà người hàng xóm. Bọ hung chở chàng trên lưng và ra sức bay nhưng vì chàng nặng quá đi chưa được nửa đường đã bị đánh rơi và chàng lại khóc. Gặp chim chít nhảy nhót trên cành kêu”chít chi chít chi”, người thợ săn than thở:
– Sao tôi khổ đến thế này mà các người lại còn ca hát?
– Ở sao anh lại mắng? Tôi ca hát thế này nhưng anh cần việc gì thì cũng giúp cho anh được chứ – Đàn chim đáp.
– Nhưng tôi đã lỡ lời rồi thì chim hãy tha lỗi cho tôi. Tất cả đang vui, chỉ một mình tôi buồn!
Đàn chim chít hỏi:
– Thế vợ anh đi đâu?
– Vợ tôi giận, bỏ đi từ ngày hôm trước.
– Đi về đâu?
– Về ở với bố mẹ cô ấy trên trời kia!
– Vừa nói, người thợ săn vừa chỉ và nhìn lên. Đàn chim chít ngạc nhiên cũng ngước mắt nhìn rồi nói:
– Bây giờ tôi cũng muốn giúp anh lắm, nhưng bụng còn đói meo thế này thì làm gì được!
– Thế cho chim ăn rồi chim có giúp được tôi không? – Người thợ săn hỏi.
Chim chít bảo: Được chứ, sao lại không!
Vậy nhưng ăn xong, cả đàn chim chít vẫn không đủ sức đưa người thợ săn về nhà vợ. Giữa đường chàng lại bị đánh rơi lần nữa.
Lần thứ ba, người thợ săn gặp quạ, quạ hỏi:
– Ở anh thợ săn, khóc gì nhiều thế?
– Tôi thật đang khổ lắm quạ ơi! Quạ có cách gì giúp tôi được không? – Chàng hỏi.
Quạ trả lời:
– Tôi biết chuyện anh rồi, có điều tôi chưa tắm. Tắm rửa xong, tôi mới bay đi được. Vậy có việc gì anh cần tôi giúp một tay không?
– Có đấy! Phải có than đen nhuộm mình tôi mới tắm được.
– Nếu vậy tôi giã than rồi cho vào bầu nước, anh có tắm được không?
– Được, được đấy! – Quạ trả lời.
Tắm xong, quạ bảo người thợ săn cưỡi lên lưng bay đi. Quạ đem hết sức ra và đưa được người thợ săn lên trời nhưng nửa đường lại gặp loài chim ăn thịt người xông vào đánh cướp. Không chống chọi nổi, quạ đành hạ cánh. Người thợ săn biết ơn và cũng không oán giận gì qua nhưng lúc quay về nhà, nhớ vợ chàng lại ngồi khóc thân phận mình bên lề nhà. Gặp lúc trời mưa, vợ chồng chim én bay vào trú chân hỏi:
– Trời mưa việc gì đến anh mà khóc nhiều thế?
– Vợ chồng chim én ơi! – Người thợ săn nói – Cả ba người giúp tôi đều không được. Chim là người thứ tư, có thể giúp tôi được không?
– Giúp anh việc gì? – Vợ chim én hỏi.
– Vợ chồng tôi cãi cọ nhau từ hôm trước đấy. Vợ tôi bỏ về nhà cha mẹ ở trên trời rồi!
Vợ chồng chim én nhìn nhau ra chiều thông cảm. Suy tính một hồi lâu, chim chồng nói:
– Anh cứ yên tâm, tôi sẽ giúp anh lên trời được. Có điều trước lúc đi, anh hãy thịt săn con chó ngực bảy gang, cổ ba gang tay ấy. Ở giữa trời cao có đủ các loài chim ăn thịt người xông đến, anh cứ việc ngồi yên trên lưng tôi phát thịt. Rồi ta sẽ qua được thôi, có gì mà anh phải khóc.
Đúng như lời chim én nói, lúc bay qua giữa trời cao, người thợ săn phải chia hết thịt chó cho các loài chim ăn thịt và bay đến được nóc nhà người vợ. Nhìn qua khe hở, chim én bảo:
– Đấy, vợ anh đang ngồi dệt vải trên sạp sàn đấy!
Người thợ săn vén tấm gianh lợp nhà nhìn xuống. Hồi hộp, phân vẫn mãi chàng cũng không biết mình có nên tụt xuống hay không nữa. Cũng may, lúc đi, chàng còn đem theo cả chiếc lược của người vợ ngày xưa hay chải, cây dao vợ thường cắt và cái quẹt của vợ chàng hay kéo lửa. Người thợ săn bèn thả cái lược xuống trước. Người vợ trông thấy, nhặt lên ngắm nghía hồi lâu rồi nói một mình: “Sao giống lược của tôi ngày trước ăn ở với chồng thế này?”. Người thợ săn lại thả con dao xuống. Người vợ nhặt lên ngắm nhìn rồi bảo: “Sao giống con dao ngày xưa ở nhà chồng tôi thế này?” Đến khi người thợ săn thả quẹt lửa xuống, người vợ cầm áp vào lồng ngực nói:
– Nếu mà anh thật tình thương tôi, đã biết hối hận việc cũ rồi thì hãy về với tôi, đừng gửi các thứ này đến nữa, tôi làm sao chịu nổi.
Tuy vậy lúc người thợ săn xuống, nàng vẫn còn hờn giận cố giữ kín sự sung sướng của mình mà nói:
– Nếu muốn ở cùng tôi, anh phải làm nhà ở trên núi đá kia kìa. Bao giờ làm xong, tôi sẽ về ở với anh như trước.
Lần này người thợ săn chiều ý vợ, đẵn cây vót nhọn làm cột nhà nhưng không sao cắm vào nền đá được. Một ngày, hai, ba ngày đã qua mà không làm được nhà, người thợ săn lại khóc. Thần Sét đi câu cá về thấy vậy hỏi:
– Giữa xứ sở của ta sao con còn khóc? Giữa buôn làng ta có việc gì mà con phải khóc?
Người thợ săn trả lời:
– Vợ tôi buộc phải làm nhà trên núi đá. Làm sao chôn cột được.
– Ồ! Chuyện đó con đừng lo! – Thần Sét ồ ồ nói – Cứ về nhà đi, sáng mai ta sẽ giúp con chôn cột.
Vâng lời, chàng thợ săn vui vẻ ra về. Chưa đến đầu ngõ, thần Sét đã ầm ầm đào đá. Sáng hôm sau người thợ săn cắm cột, buộc sườn. Buộc đến đâu, các loài thú vật trong phút chốc đã lợp xong mới đến đó cho chàng. Ngắm nhìn từ xa, người vợ thương chồng lắm. Nàng gác công việc, vội vã đi đón con về. Từ đó, họ ăn ở hòa thuận, thương yêu nhau trong căn nhà mới.
Người kể: Y Ren
(Trích Truyện cổ các dân tộc Tây Nguyên, nhiều tác giả, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, trang 389-395)