CHUYỆN CÂY NÊU TẠ ƠN

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chuyện kể rằng: Ở một bon nọ, có một gia đì rẫy, trồng lúa chỉ đủ ăn nửa năm, trồng bắp chỉ đủ tháng, săn con thú chỉ đủ ăn một bữa, bắt con tép, c chỉ đủ ăn nửa bữa. Nhà lại sinh ra hai đứa con sinh ra  hai đứa con sinh đôi, cuộc sống đã khó khăn, thiếu thốn nên càng khó khăn hơn trước. Hai đứa trẻ này ăn uống không giống như đứa trẻ khác, chúng càng ngày càng lớn, càng ăn ăn đến nỗi miệng không lúc nào nghỉ, thấy cái gì cũng đòi ăn, ra ngoài rẫy thấy lá cây cũng đòi ăn, ra ngoài rừng thấy sóc chạy cũng đòi ăn; ngồi góc bếp thấy hòn than cũng đòi ăn, cơm bảy bầu, ăn hết một lúc, khoai ăn hết một lúc, thịt một rổ cũng ăn hết một lúc, vẫn còn đói, suốt ngày la đói, lúc nào cũng đòi ăn, giống lúa, giống ngô, bí, bầu, gà trong ổ ấp trứng đòi ăn, heo giống cũng ăn, trâu, bò cũng ăn, đến nỗi cha mẹ, làng xóm phải kinh hoàng, sợ hãi. Dân làng gọi cặp song sinh này là Dêt-Dol (ma đói).

Vợ chồng vốn đã nghèo khổ, thiếu thốn giờ lạ nghèo, càng thiếu. Thương con, vợ chồng cố gắng làm thuê, làm mướn suốt ngày, suốt đêm vẫn không cái ăn cho con, phải đi vay mượn. Lúc đầu bà con còn cho mượn, sau một vài lần mượn lúa bon trên họ bảo không có, mượn lúa bon dưới họ bảo không có, mượn con trâu, con bò bon xa, bon gần họ nói đã hết, không còn bon làng nào để mượn. Vợ chồng lo bán cái rẫy để lo hạt gạo cầm hơi. Một hôm, vợ chồng làm cỏ rẫy, người chồng bảo vợ:

– Này bà ơi, mình sinh con ra mà con mình thế này làm sao tôi với bà sống nổi. Bà con trong bon không dám gần mình, gặp bà con thì mắc cỡ, nhà người ta một gùi lúa trong một tháng cũng chưa hết. Trâu, bò, gà, vịt của họ thì ngày càng đẻ thêm con, thêm đàn bầy, còn nhà mình làm bao nhiêu cũng không đủ ăn, nợ bon trên bon dưới, đêm không ngủ được vì lo nợ, ngày không nghỉ vì lo nợ, bụng không có hạt cơm, nước không có một ngụm. Bây giờ tôi với bà nghĩ cách nào đây?

Người vợ buồn bã đáp lại với chồng:

– Biết làm sao bây giờ hả ông? Theo tôi thì chết với sống, nợ với nần bao nhiêu cũng phải chịu thôi, vì con của mình, người ta có đánh chết, người ta có bắt mình làm nô lệ thì mình cũng chịu thôi.

Người chồng nói tiếp với giọng ngùi ngùi buồn bã:

– Nhà mình bây giờ nợ nần nhiều lắm, nợ bò không một đầu để trả, nợ trầu không có một lông để trả, nợ lúa gạo không có một gùi để trả, nếu không trả nhà mình sẽ bị bắt làm nô lệ mất thôi. Con mình sẽ bị bắt đem bán mỗi đứa một nơi, bon làng sẽ gọi mình là ma lai. Họ muốn đánh lúc nào thì họ đánh, họ muốn giết lúc nào thì họ giết, nhục nhã lắm bà ơi. Bây giờ, bà nghe lời tôi thì nghe, còn không thì tùy bà.

– Ông muốn nói điều gì thì nói, tôi sẵn sàng nghe đây. Người vợ đáp.

– Tôi nghe nói, cách bọn mình bảy đến tám quả núi, phía mặt trời lặn có nhiều bon Drôn. Ở đó có nhiều trâu bò, nhiều muối, nhiều vải, còn người Drên cũng muốn mua nô lệ để hầu hạ. Mình đem con qua đó gả bán, đổi trâu lấy bò về trả nợ cho làng. Chỉ có con đường đó nhà mình mới thoát cái chết, cái nợ chất đầy trời thế này, còn hơn làm nô lệ cái bon của mình mà không được cái gì đâu, nợ vẫn nợ, làm nô lệ vẫn phải làm nô lệ, nhục nhã lắm bà à.

Sau khi nghe chồng nói tỷ mỉ, thiệt hơn, người vợ suy nghĩ một hồi lâu rồi gật đầu đồng ý và trả lời với chồng:

– Tôi cũng chẳng biết tính làm sao nữa, bây giờ ông bảo tôi làm gì, tôi làm nấy, chứ biết làm sao? Bà vợ nói giọng buồn buồn.

Thấy vợ đồng ý, người chồng bàn tiếp:

– Ngày mai, lúc con gà rừng gáy đợt đầu, bà dậy chuẩn bị cơm, còn tôi chuẩn bị đồ đạc, sà gạc, gùi, chăn chiếu. Tuyệt đối bà không nói cho hai con biết chuyện và cả dân làng cũng không được biết.

Hai vợ chồng bàn thảo kế hoạch xong họ trở về nhà.

Đúng theo kế hoạch, đêm hôm sau, khi tiếng gà rừng vừa cất tiếng gáy đầu, họ đã dậy mang gùi, cõng con len lén đi ra ngõ sau nhà, qua bìa rừng. Họ lặng lẽ đi trong đêm tối, không một tiếng chó sủa, không một tiếng động của lá khô. Họ đi vội vàng, sợ bon làng biết sẽ đuổi theo đòi nợ, đi nhanh không biết mệt mỏi, vấp dây rừng té ngã cũng không biết đau, chân đạp gốc cây gai rừng cũng không biết đau. Họ đã đi cách bon thật xa thì trời sáng, đã mệt sức, họ tìm nơi nghỉ chân. Họ dừng lại bên bờ suối để lấy nước uống, họ mới thấy cổ chân đầy dây cuốn, bàn chân đầy gai đâm, máu đã rướm lên đôi chân họ; chồng xoa chân cho vợ, vợ xoa chân cho chồng. Họ âm thầm lặng lẽ không ai bật lên tiếng nào, họ cũng không biết đầu nguồn hay cuối suối. Họ lấy cơm nắm ra ăn vội vàng và lên đường tiếp tục đi cứ theo hướng mặt trời lặn mà đi. Cứ như thế, họ đi mãi, ngày đi, đêm nghỉ, quên cả tính ngày, tính tháng. Hết nắm mang theo, họ hái trái cây, lá rừng để ăn, bắt cá suối, bẻ măng rừng để ăn; đi hết đêm lại ngày, nhưng chẳng gặp một ai ngoài thú rừng, chim muông.

Thế rồi sức họ cũng đã kiệt, mệt mỏi ốm yếu đến nỗi con mắt sâu như cái giếng nhỏ, bắp đùi, bắp chân chỉ còn bằng cành củi khô, ngón chân, ngón tay chỉ còn bằng cọng tranh khô, đầu tóc bạc trắng như bông cỏ tranh nhưng họ vẫn ráng đi, đi từng đoạn lại nghỉ. Đến một trảng cỏ lớn mênh mông bát ngát, họ lại nghỉ đi tìm nước uống. Họ ngạc nhiên thấy một hồ nước to, có trâu, bò đang gặm cỏ, bên kia có quả đồi, có rẫy lúa chín vàng và có tiếng chim hót rộn ràng như một làng quê. Họ quên cả đói khát, mệt mỏi và cứ ngắm nhìn từ xa đến gần để tìm người, đi tìm từ đồi này qua đồi khác nhưng vẫn không thấy người. Người chồng nói với vợ:

– Bà ơi, sao nơi đây có trâu, có bò, có đồng lúa vàng nhiều hạt mênh mông, lại không có người, bà thấy có lạ không chứ?

– Ừ, tôi thấy lạ quá, mà ông nhìn kỹ coi, cây lúa này cũng không giống cây lúa của ta trồng ở rẫy, còn bò trâu ta không dám lại gần xem kỹ, có thật là con trâu, con bò không?

 

– Bà đừng nghi ngờ như thế. Thôi bây giờ ta nghỉ ở đây để gặp người mới biết rõ thực hư.

Họ đi chặt lá mây để lợp cái chòi, đi lấy tre nứa làm sạp để ngủ, bắt cá dưới ao để ăn thay cơm, hái rau bờ suối ăn thay cơm. Hàng ngày, hai vợ chồng chia nhau đi tìm người, họ đi mỏi cả chân, hết cả ngày cũng chẳng gặp ai, tìm dưới trảng cỏ chỉ thấy trâu bò, tìm trên đồi chỉ thấy mênh mông lúa, không thấy một cái chòi, không thấy khói bếp của nhà ai, chỉ thấy ao hồ nước trong veo, thấy ông mặt trời cùng nằm trong mặt hồ ấy, lúc lặn, lúc mọc.

Bỗng một hôm, mặt trời sắp khuất dần dưới chân đồi, một vệt sáng từ phía mặt trời lặn chiếu qua mặt hồ. Người chồng đang ngồi trong chòi thấy một ánh sáng kỳ lạ quá, đời ông chưa gặp bao giờ. Từ ngày dừng chân ở cái trảng cỏ mênh mông này ông cũng chưa thấy, ông bật ngồi dậy ra khỏi chòi để theo dõi. Ông vội vã chạy tới bờ hồ, nép mình bên gốc cây to để quan sát, vệt sáng lấp lánh dưới nước hắt lên, làm cho ông không thấy gì cả. Ông đưa tay che mắt và cố gắng nhìn. Trong vệt sáng, ông thấy người đàn bà tóc dài xoã xuống đang tắm dưới hồ. Ông vừa mừng vừa suy nghĩ: Mừng là ông chờ đợi để gặp người thì nay đã gặp, nhưng kỳ lạ người đàn bà này từ đầu đến sao lại tắm một cách hồn nhiên, toàn thân không có miếng vải để che, bây giờ đến gặp thì không tiện, mà không đến thì biết hỏi ai đây. Ông cứ loay hoay, vừa nhìn thân hình người đàn bà lúc lặn, lúc đứng, lúc thả mình bồng bềnh trên mặt nước, tiếng chim hót mỗi lúc một nhiều và tạo ra những âm thanh như một điệu nhạc hòa cùng với thân hình người đàn bà đang mải mê trong mặt hồ. Ông chưa nghĩ ra cách nào để tiếp cận, thì người đàn bà đã lên bờ cuốn mái tóc, mặc váy xong và mất hút theo hướng mặt trời lặn. Đến lúc ấy ông mới sực nhớ và tự hỏi mình: Đi tìm người, khi thấy người thì cứ nép mình bên gốc cây, đứng nhìn không đến hỏi được một câu nào, bây giờ họ biến đâu mất. Ông tiếc quá lủi thủi trở về.

Vừa đi ông cứ mải suy nghĩ: Sao ở đây vắng vẻ lại có cô gái đẹp đến lạ lùng như thế? Dòng suy nghĩ không rời khỏi tâm trí thì ông đã về đến chòi. Người vợ thấy ông về bà mừng rỡ hỏi:

– Có chuyện gì mà ông bỏ đi không kịp nói với tôi tiếng nào vậy, ông có gặp ai không?

– Bà ơi, chuyện này dài lắm.

Người chồng cũng thấy lúng túng không biết kể với vợ sao đây! Kể gặp một người con gái đang tắm không có tấm vải che thân thì kỳ quá, liệu bà có tin không? Đang bối rối thì bà lên tiếng:

– Sao hôm nay ông có cái gì là lạ, chuyện gì ông nói tôi nghe, sao cứ bối rối vậy.

Người chồng biết không thể nói khác được bằng kể hết chuyện vừa xảy ra cho vợ nghe. Người vợ nghe xong, bà hỏi lại chồng:

– Ông có nhìn kỹ không?

– Tôi nhìn kỹ mà, cô ấy tắm nằm dài trên mặt nước, như mình nằm trên sạp đây này.

– Có thật không đấy ông? Chắc không phải người đâu, người sao nằm được trên mặt nước mà không chìm, chắc thần ác, thần xấu rồi. Quỷ đất, ma rừng chắc nó ở đâu đây mà, mình phải đi ngay thôi, chắc trâu bò kia cũng là ma thôi ông à, ta dọn đi thôi.

Người chồng dường như không thất vọng, vẫn còn nghĩ không biết làm sao gặp lại cô gái ấy để hỏi rõ mọi chuyện được, nghe vợ nói vậy ông giải thích:

– Bà à, mình đã cất công đến đây rồi, chờ đợi ở đây lâu như thế rồi nhất định phải ở lại để hỏi cho rõ đầu đuôi. Tôi không sợ ma, tôi không đi.

Nói xong, ông ngả người trên sạp vắt tay lên trán suy nghĩ.

Từ hôm đó, ông luôn có mặt bên cạnh bờ hồ, lúc thì hái rau, lúc mò cua, bắt cá. Ngày một trôi qua, ngày hai trôi qua, ngày ba cũng trôi qua, ngày cứ đến rồi đi, đêm cứ đến rồi đi. Một buổi chiều nọ, vệt sáng vút lên từ phía chân trời như lần trước, ông nhanh chóng chạy đến, nép dưới gốc cây to gần cạnh hồ hơn lần trước để thực hiện ý định của mình.

Cũng như lần trước, người con gái kia không để ý gì xung quanh. Vừa tới mặt hồ, nàng liền hồn nhiên thả mái tóc dài buông xoã, từ từ cởi hết tấm che ngực treo lên cành cây, tay kia rón rén gỡ dây buộc váy treo lên cành cây và cũng như bao lần trước nàng đưa mắt nhìn xung quanh, vẫn thấy mọi việc bình thường và yên lặng. Nàng sải mình trên mặt nước một cách tự nhiên và thoải mái. Trong lúc cô gái mải mê ngâm mình dưới nước thì người chồng nhanh chân chạy lại chỗ nàng đã treo váy, giật lấy, quấn tròn đem đi giấu dưới hốc đá nơi ông đã ẩn núp. Ông tiếp tục chờ đợi cô gái kia tắm xong lên bờ sẽ phản ứng như thế nào và cô ấy có thật phải là người hay không?

Cô gái tắm xong lên bờ, đứng thẳng người, duỗi mái tóc cho khô rồi quấn tóc lại. Khi bước đến cành cây váy thì nàng hốt hoảng không thấy váy và tấm che ngực đâu, nàng vội vàng khom người lại, lấy hai tay che người, mắt nhìn trái, nhìn phải:

– Ơ…ơ, có ai ở xung quanh đây không? Ai đã lấy váy của tôi, mau đem trả cho tôi.

Người đàn ông cứ nép mình quan sát. Ông lắng nghe tiếng đòi trả váy đến mấy lần, lúc đấy ông tin chắc chắn không phải ma, ông mới bước ra, dõng dạc lên tiếng:

– Ơ, cô kia, cô ở đâu đến đây tắm? Cô là ai, ở bon làng nào?

Cô gái nghe tiếng nói càng hốt hoảng liếc nhìn, thấy một người đàn ông tự nhiên lại đứng gần mình, cô càng mắc cỡ, càng khom rọp người xuống đất không dám ngước mặt, vừa hỗ thẹn, vừa luống cuống:

– Dạ… dạ tôi ở bon bên kia chân núi, tôi là con gái của thần núi, thần rừng. Ông… ông có lấy váy và tấm che ngực của tôi, ông trả lại cho tôi, ông muốn gì tôi cho nấy, ông muốn gì tôi có nấy.

 

Nghe nàng nói vậy, trong lòng ông quả quyết đã gặp được người rồi nhưng ông lại hỏi thêm:

– Ở đây, sao không có người mà lại có trâu bò, không có nhà cửa mà lại có rẫy lúa?

Cô gái vội vã trả lời:

– Ở đây không có ai cả, rẫy lúa đó là của các thần đã có ngàn năm nay chưa tuốt, trâu bò ở dưới trăng cũng ngàn năm nay.

Nghe được những lời ấy, người đàn ông mới đem váy, trả lại cho nàng. Cô ta nhanh nhẹn mặc váy và cài lại tấm che ngực xong, cảm ơn ông và nàng hỏi lại:

– Thế ông từ đầu đến? Ở làng nào, bạn nào vậy?

Người đàn ông đem chuyện nuôi con, do con ăn nhiều quá, nên nuôi con không nỗi, phải đi vay nợ lúa gạo, trâu bò, chiêng ché bà con trong bốn quá nhiều, nên bây giờ có ý định đi tìm bon Drôn bán con Dêt Dol để trả nợ, không may đi lạc đường đến đây mà chẳng thấy bon Drôn, chỉ thấy trâu bò, rẫy lúa, nên dừng chân để gặp người, nhờ họ chỉ đường đến bon Drôn. Cô gái nghe người đàn ông kể chuyện gia đình làm cô rất động lòng chia sẻ với ông. Suy nghĩ một lúc cô nói:

– Ông ạ, ở nơi này không có bon Drôn, bon Yuăn nào cả. Nếu có đi nữa mà ông đem bán con, chẳng có ai mua đâu. Ông làm như vậy thì tội nghiệp cho hai đứa nhỏ. Bây giờ, tôi cho ông lúa, ông trả lúa cho người ta. Tôi cho bò, ông trả bò cho người ta. Tôi cho trâu, ông trả trâu cho người ta. Ông tuốt một gùi nhỏ lúa mang về đổ vào kho lớn cũng đầy kho. Ông dắt con bò Dam kết me kêng đem trả cũng đầy trảng, đầy đồng, dắt con trâu Dăm ju me but đem trả cũng đầy núi, đầy đồng. Ông đem trả xong cho họ rồi ông quay lại đây, mang hồn lúa về bỏ vào đốt lồ ô, mang hồn trâu, hồn bò về bỏ vào hình nộm, hồn của lúa treo cho nhiều vào cây nứa, cây tre, cây le, cây mum, cây tiăng, cây Blang, để cho thần núi, thần rừng, thần đất, thần trời đều biết, đều thấy.

Người con gái đẹp dặn tỉ mỉ xong, rồi hóa thành một luồng ánh sáng kỳ lạ vụt về phái mặt trời lặn. Người đàn ông định hỏi thêm nhưng không còn kịp. Ông đứng nhìn theo vệt sáng một hồi lâu mới chợt tỉnh người như đang trải qua cơn mộng. Ông chưa biết thật hay không đành trở lại nơi vợ và con đang nghỉ, kể lại đầu đuôi câu chuyện gặp người con gái của thần, người vợ khuyên ông:

 

– Thôi thì ta cứ tin và mai ta làm theo lời dặn, xem thử có hiệu nghiệm không.

Hôm sau, hai vợ chồng đến đầu trảng cỏ, có trâu bò chở sẵn ông ở đấy. Ông tuốt lúa rẫy và làm theo như những lời thần dặn, họ mang trâu, mang bò và lúa trở về bon.

Họ trả lúa mười gùi chỉ cần một hạt, họ trả lúa trăm gùi chỉ cần một năm, trả trâu, trả bò hết hàng trên, làng dưới, họ chỉ cần dắt trâu, bò qua ngõ, qua chuồng là chủ nợ trâu bò đã đầy chuồng. Họ trả nợ xong xuôi, họ quay lại trạng lúa vàng nơi đã gặp con của thần, họ chặt nữa tạo thành bông lúa, chẻ lạt tre tạo hình một con trâu, con bò, họ treo lên cây Tiăng, họ gọi Nơ sang, treo lên cây blang, họ gọi là N’juh, treo lên cây mum, cây tre, họ gọi là N’ge, Ngoi.

Cứ thế, hàng năm, họ về trảng cỏ làm cây nêu và lễ vật cúng thần linh để tỏ lòng tạ ơn thần linh đã cho trâu, bò, lúa gạo, mọi thứ trong cuộc sống, đã cứu họ thoát khỏi tội định đem bán con, nợ nần nghèo túng. Và từ ấy, cây nêu tạ ơn Thần linh đã đi cùng năm tháng với tộc người M’nông và truyền lại đến ngày nay.

Người kể: Cô giáo HPlơ, thôn Spa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil