CHUYỆN HỨA HÔN-Truyện cổ M’nông

Lượt xem:

Đọc bài viết

Tại một bon nọ có hai gia đình: gia đình của vợ chồng Me M’hau, Bơ M’hau và gia đình của vợ chồng Me Jiêng rất thần thích với nhau. Họ thường lui tới thăm nom lúc ốm đau cũng như lúc có lễ nghi. Có chuyện vui, chuyện buồn gì họ cũng đến với nhau. Đến mùa lúa mới nào hai gia đình cũng uống chúc mừng nhau bằng ché rượu cần. Một hôm trong ngày cúng lúa cuối năm của bon trong lúc mọi người cùng vui đang uống rượu cần thì vợ chồng Me M’hau, Bơ M’hau cùng ngỏ ý chuyện hứa hôn cho con của mình là M’hau với vợ chồng Me, bơ Jiêng.

Me M’hau có con trai và Me Jiêng có đứa con gái, theo phong tục thì khi con gái biết bứa củi, gùi nước, giã gạo, nấu cơm chín; con trai biết tra xà gạo, đan chiếc nía, chiếc gùi là đến tuổi có thể kết hôn với nhau. Vì hai đứa còn nhỏ nên không làm lễ trao vòng mà họ chỉ hẹn ước và cam kết với nhau là: Một trong hai bên khi đến tuổi cưới nhau mà bên nào không lấy nhau thì bên đó phải đền một con trâu có sừng dài bằng sải cánh tay. Thế rồi bao mùa rẫy đi qua, bao nhiêu trăng mọc rồi lặn, con trai của Me M’hau đã biết tra xà gạc, con gái Me Jiêng đã biết bứa củi, Me M’hau đi đến nhà Me Jiêng hỏi việc hẹn ước của con thì sự việc nó đã khác… Me M’hau rất buồn, bà ít đi lấy nước, ít đi lấy củi vì sợ dân làng chê trách, khinh bỉ về việc con cái không thành. Theo phong tục và lời cam kết từ đầu bên Me Jiêng phải đền Me M’hau một con trâu nhưng không đáp ứng được. Biết vậy nên dân làng bất bình. Đến mùa vụ lúa chính già làng mời gia đình Me M’hau, Me Jiêng để hỏi chuyện hứa hôn giữa hai nhà Me M’hau và Me Jiêng. Hai cặp vợ chồng vừa đến nhà thì già làng khui ngay ché rượu cần. Theo phong tục sau khi nhúp lá, đổ nước rồi mỗi người đều cầm cần, mỗi người phải tiêm. Già làng uống trước nước đầu, tiếp đên là vợ chồng Me M’hau, vợ chồng Me Jiêng. Lúc này Già làng đặt vấn đề hòa giải: việc hẹn ước cho con cái từ trong bụng mẹ, từ mới sinh ra là làm theo phong tục, tập quán của ông, bà tổ tiên, và sự phù hộ của các Thần, để nối tiếc dòng họ, rất tiếc là các Thần linh không giúp đỡ nên hai đứa con lớn lên không lấy được nhau. Thế rồi đôi bên tranh luận mãi đòi bằng được con trâu sừng dài bằng một cánh tay, bên thì không đáp ứng, cò kè mãi. Một lúc sau Bơ Jiêng thấy Me M’hau ngất sỉu, mới đập nhẹ trên vai, nhưng không thấy nói gì… lại càng lo, lúc sau lại đập mạnh tí vào chân lại không thấy nhúc nhích gì… Thế rồi lâu hơn nữa Bơ Jiêng dùng hai tay, một tay ông đập nhẹ vào lưng, một tay ông đỡ nhẹ trước ngực thì Me M’hau bảo “bế dùm”, khỏi đến nhà già làng uống rượu cần nữa.

Ông già làng vừa uống rượu cần vừa đợi mãi mà không thấy hai gia đình đến nhà ông uống rượu cần, ông mím cười và nghĩ thầm… chắc sự việc này họ đã tự giải quyết với nhau rồi. Vậy là sự mâu thuẫn bấy lâu nay của hia gia đình đã được giải quyết rồi.

Theo phong tục, sui gia người Bu Noong là các đứa các đứa con khi còn nhỏ, thậm chí con còn nằm trong bụng mẹ, khi hai gia đình cảm mến, trở thành thân thiết, và họ thống nhất nhau lấy nước bọt từ bé trai chấm trán người bé gái và ngược lại, sau đó họ hẹn ước và cam đoan nhau cho đôi trẻ nên duyên vợ chồng. Khi còn nhỏ gọi em (jĩ hoi oh), nhúm vú gọi chị (bút toh hoi ruh), lớn lên gọi vợ (druh hoi ur). Nếu sau này không đi đến hôn nhân với nhau thì người bỏ trước sẽ bị phạt, đền bằng hiện vật như ché, chiêng, heo, bò, trâu… kèm theo đó phải có ché rượu cần, làm thịt con gà hoặc con heo để giải quyết vụ việc. Họ tin rằng làm như vậy mọi rủi ro không đến với dòng tộc và gia đình bên bị lỡ hẹn.

     Người kể: cô giáo H’ Xuân, bon Đắk Blao, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk Rlấp.