SỰ TÍCH BON R’LONG PHE-Truyện cổ M’nông

Lượt xem:

Đọc bài viết

Sự tích truyền rằng, ngày xửa ngày xưa qua bao nhiêu mùa rẫy, qua bao nhiêu lần trăng mọc rồi lặn, dân làng không còn nhớ nữa. Bon Ja Ka rănh quanh năm suốt tháng luôn bị đói rét và bệnh tật hành hạ. Củ nằn, củ mài trong rừng không kịp lớn, lá bếp đọt mây không kịp nảy chồi, măng trong rừng không kịp mọc. Cảnh vật hoang tàn do thiên tai hành hạ, đến nổi cả bon không có tiếng gà gáy, tiếng chó sủa, tiếng trẻ con cười; cũng vắng dần cả tiếng cồng chiêng vì không còn những ngày hội, những ngày lễ do đói rét gây nên.

Có một hôm cả làng lên rừng lần tìm củ nằn, củ mài, lá bếp, đọt mây… để sống qua ngày. Bỗng nhiên trước mắt họ có một con chó to đứng trên một tảng đá lớn, lạ thay là nó nôn ra toàn là gạo. Gạo ra nhiều đến mức chất thành đống không sao lường đếm được. Một lúc lâu con chó biến mất. Dân làng không biết vì sao, họ tiến lại gần đống gạo thấy gạo trắng tinh mà lại bị ẩm ướt. Thấy vậy dân làng mừng rỡ rồi phân công nhau người thì hốt gạo đãi rửa dưới nước, người thì lên rừng chặt cây làm củi, dốt củi cho thật nhiều than hồng để sấy gạo nhanh khô, mà chỉ có cây giẻ mới cho than cháy thật  hồng thật tốt nên dân làng chỉ chọn chặt toàn cây giẻ. Họ chặt mãi chặt mãi, chặt nhiều đến mức cây không kịp mọc. Ngày nay họ cho rằng do chặt quá nhiều cây giẻ làm củi để sấy gạo mà con chó thần mang đến giúp bon làng nên tại bon Ja Ka răch lội cả khu rừng không tìm thấy cây giẻ nào.

Điều càng lạ nữa là gạo con chó nôn ra ấy càng hốt thì nó lại tuôn ra càng nhiều, dân làng còn cho các bon khác đến lấy cũng không cạn. Khi gạo sấy xong cả dân làng đem về nhà nấu ăn thì cơm có hương vị thơm ngon như gạo lúa mới. Thấy vậy dân làng vô cùng mừng rỡ, họ tổ chức ăn mừng. Mừng đến nỗi người không có rượu phải đi mượn rượu, không có con heo, con gà cũng phải đi mượn các bon khác để về cúng ăn mừng. Họ ăn mừng mà thịt ăn bảy ngày không hết, rượu uống bảy ngày không say. Tiếng cồng chiêng vang cả núi rừng, ngân vang khắp cả bon gần, bon xa, núi sâu, rừng thẳm khiến thần Sông, thần Núi, thần Đồng, thần Bến nước cũng đều vui.

Một đêm nọ bà già làng tên Bê nằm ngủ chợt chiêm bao thấy hình ảnh và sự việc như thật, bà thấy con chó nhã gạo căn dặn rằng: “thôi bà cứ yên tâm, cứ lấy gạo ấy mà ăn, từ đây về sau, các đời con cháu của bon luôn ăn nên làm ra, bon làng thanh bình, sinh sôi nảy nở”. Khi tỉnh dậy bà đem kể lại cho bon làng cùng nghe và từ đó bon làng đặt tên bon Ja Ka răch thành bon R’Long Phe và được lưu truyền cho đến ngày nay.

Tảng đá mà con chó đứng nhả ra gạo gọi là Lu hă sau – tức là tảng đá chón nôn ra gạo. Dưới chân xung quanh tảng đá này những hạt gạo còn sót lại nó biến thành đá nhỏ và hình ảnh giống như hạt gạo, nằm trong hốc, cứ mỗi lần động đến là lắc lư, xoay chuyển nhưng khó bóc được một hòn đá ra khỏi hốc đá. Theo thói quen của bon thì cứ mỗi lần tổ chức ngày lễ, ngày hội, ngày cúng mùa người ta đến đó để cúng và cầu sự may mắn, ai mà lắc lôi được viên đá ra khỏi hốc đá nằm xung quanh tảng đá to thì sẽ được may nắm suốt đời.

Ông K’Bốt, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa