CHUYỆN TƯỢNG ĐÁ
Lượt xem:
Hàng ngày mỗi lần lên rẫy, khi đi qua trảng cỏ fa lu (trảng cỏ đá ngỏ) ai ai cũng dừng lại để ngắm bức tượng đá sừng sững nằm giữa trảng cỏ xanh. Bức tượng mang tên Lu N’gơr. Chuyện kể rằng:
Ngày xưa, khi bầu trời còn gần mặt đất, con voi đi còn chạm lưng, giã gạo còn chạm chày vào bụng ông trời, loài người ở trên mặt đất còn phải dựng những cột đá to để đỡ trời cao lên. Ở cuối bon nọ, có một cặp vợ chồng người M’nông sống nghèo khó nhưng rất hạnh phúc. Người vợ vô cùng xinh đẹp có tên là Fri Blang. Mái tóc của nàng đen như lông con ngựa, chải dài đụng đất, làm cho trai làng ngắm cả ngày không biết chán. Đôi mắt nàng sáng long lạnh như ánh sáng của lửa. Da nàng trắng như cành hoa M’pang, mịn màng như bột gạo giã. Hàm răng nàng đen như hạt dưa hấu. Đôi tay nàng tròn lẳn như lõi cây chuối. Khi nàng cười, bông hoa Pĩ bên suối khép cánh lại ngượng ngùng, con cũng đang múa trên rừng cũng phải trốn trong bụi rậm, suối cũng ngừng chảy khi nghe tiếng nàng nói, chim rừng cũng ngừng hót khi nghe tiếng nàng ca.
Người chồng tên là Rling Byơp. Chàng Rling Byơp có sức khỏe như con trâu rừng. Bắp chân, bắp tay chàng to như gỗ cây Rkãi, cây fă. Đôi mắt chàng như mắt hổ, mắt báo. Đôi chân chàng như hòn đá nằm sâu dưới lòng suối. Chàng Rling Byơp rất thương vợ. Ngày ngày, chàng vào rừng săn con nai, con hươu, bẫy con thỏ, con chồn, còn nàng ở nhà dệt chăn, dệt khố áo để cuối mùa trăng chàng Rling Byơp lại mang đi đổi muối, gạo, vòng đồng, trâu bò các bon khác. Cuộc sống vui vẻ đầm ấm cứ thế trôi qua, cho đến một hôm, nàng Fri Blang đang ngồi dệt vải trên bậc cửa thì có một bà già đến nói với nàng rằng:
– Ơ, người con gái đang ngồi dệt vải trong nhà kia có kiêng người chết, nhà có cử người đẻ, nhà có cấm người lạ không? Có thể cho bà già này vào nhà không?
Nàng Frị Blang ngẩng đầu lên đáp:
– Bà ơi, nhà cháu không cữ người đẻ, không kiêng người chết, không cấm người lạ vào nhà. Cháu mời bà vào nhà chơi ạ!
Bà già bước vào nhà. Nàng Fri Blang đứng lên cất dọn khung dệt và tiếp khách. Nàng lấy chiếu hoa trải cho khách ngồi, lấy trầu trong tráp bạc mời khách, nấu nước cây lưk ong cho khách uống, rồi nàng ngồi xuống bên cạnh hỏi:
– Bà ơi, bà đi đâu đấy? Bà đi thăm cháu ở bon Bu Dap hay bà đi thăm con ở bon Bu Nfiăn, thăm chị em ở bon Bu Bong, hay bà đi tìm con trâu lạc trên đỉnh núi Nam N’Jang, tìm con bò lạc trong rừng Dak D’Hoch?
– Ơi cháu ơi, bà một mình không con, không cháu, không chị em. Bà nghèo không có con trâu, con bò lạc để tìm. Bà đi xin ăn hết bon này, bạn kia, xin nhà này một bát gạo, một bát cơm, nhờ chỗ ngủ, xin nhà kia con gà, hớp rượu thôi.
– Nhà cháu không có trâu, không có bò, gà trong chuồng đang còn ấp ổ, rượu ủ chưa đủ ngọt thơm. Cháu mời bà ở lại ăn một chén cơm nhạt, ngủ lại một tối.
Đêm hôm đó, nàng dọn cơm cho bà già ăn, trải chiếu chăn hoa cho bà già ngủ. Bà già ăn như mười ngày chưa ăn, như một tháng nhịn đói, bà già ăn cơm như lửa ăn cột nhà. Ăn xong, bà xỉa răng, súc miệng rồi lăn ra ngủ. Bà ngủ say và bắt đầu ngáy rung cả nhà trên, rung cả nhà dưới. Bà già hóa thành một con hổ to bằng nửa gian nhà. Nàng Fri Blang sợ quá, chàng Rling Byơp lại đi đổi vải ở bon Prum bên kia ngọn núi Nâm Nung chưa về. Nàng vội dặn đũa bếp, tẩu thuốc và bếp lửa: “Ở nhà nếu thấy hổ dậy hỏi nàng Fri Blang đi đâu thì bảo là không biết nhé”. Nàng dặn cả sạp ngủ, cầu thang nhà, bồ lúa… nhưng nàng quên dặn con gà mái đang ấp ổ trong chuồng. Nàng cầm một con dao nhỏ chạy đi theo chồng lên bon Prum. Nàng chạy mãi, chạy mãi không dừng. Nàng băng qua bao nhiêu khe, trèo qua bao nhiêu quả đồi, gai cào rướm máu bàn chân, tứa máu cả đôi tay. Váy áo nàng rách rưới tả tơi. Mái tóc nàng rối như rễ cây đa, cây tùng. Nàng cứ chạy mãi, đằng sau nàng có tiếng gầm vang cả núi rừng…
Nửa đêm khi con gà chưa gáy canh đầu, con hổ thức dậy không thấy nàng Fri Blang đâu. Nó hỏi tẩu thuốc, sạp ngủ, bồ lúa, đũa bếp: “Fri Blang đi đâu?” Tất cả đều trả lời là không biết. Hổ tức quá nhảy ra ngoài thì gặp con gà mái. Gà mái nói: “Fri Blang không đi về nơi mặt trời lặn, nàng chạy về phía mặt trời mọc, đến với chồng nàng là Rling Byơp”.
Hổ tinh nghe gà mái nói thế liền gầm lên một tiếng vang cả núi rừng rồi chạy đuổi theo nàng Fri Blang. Hổ tinh chạy rất nhanh, một bước nhảy qua con suối, một bước nhảy qua ngọn đồi, một bước nữa đã tới chân núi Nâm N’Jang, gió dưới khe ào ào, gió từ trên núi ù ù, núi đá lởm chởm, cây rừng rung từng cơn như một trận động đất. Hổ tinh càng lúc càng gầm to, càng lúc tới gần. Nàng Frị Blang cố lấy hết sức chạy lên đỉnh núi gọi chồng, tiếng gọi tha thiết của nàng được gió đưa qua kẽ đá, qua rừng cây, qua núi, qua đồi đến tại của người chồng yêu thương.
Chàng Rhing Byơp đang dắt một con ngựa thồ muối, gạo, chiêng núm, chiêng bằng, chẻ Rling, chẻ Rla về. Bất chợt nghe thoảng cơn gió mách bảo vệ chàng đang gặp nguy hiểm, chàng liền bỏ lại các thứ và vội vàng phóng ngựa thật nhanh tới chỗ nàng.
Gần tới chỗ nàng Fri Blang, con ngựa thấy mùi của hổ không chịu đi tiếp, chàng Rling Byớp liền xuống ngựa chạy bộ. Tiếng khóc thảm thiết của nàng Fri Blang càng làm bước chân chàng Rling Byơp nhanh hơn. Đất như lún xuống dưới mỗi bước chân của chàng, cây ngã rạp trên đường chàng đi qua, lá cây rụng rào rào, chim Klang, chim Kling kêu lên những tiếng kêu đau thương chết chóc, thảm thiết. Phút chốc, chàng đã tới chỗ nàng Fri Blang.
Phía sau lưng của nàng Fri Blang, con hổ tinh cũng vừa tới kịp. Nó quất đuôi bên phải ba cái, đất lở ra từng mảng. Nó quất đuôi ba cái bên trái, đá nát vụn như cám. Nó nhảy lên cao chuẩn bị vồ lấy nàng Fri Blang. Vừa lúc đó, chàng Rling Byơp đã kịp tới nơi liền giương cung bắn tên có tẩm thuốc độc trúng vào giữa ngực của con hổ tinh. Hổ tinh lăn từ trên núi xuống vực đá và gầm rú ầm ầm, làm vang động cả núi rừng. Trời bỗng nổi cơn dông tố ầm ầm, chim chóc bay loạn xạ, con nai, con hươu trong rừng chạy vào hang sâu không dám thò đầu ra ngoài. Trước khi gục đầu xuống chết, hổ tinh còn kịp biến thành con muỗi chích vào nàng Fri Blang và bắt hồn nàng ném xuống vực sâu.
Khi dông tố tan biến, mưa tạnh, chàng Rhing Byơp nhìn lại thấy vợ mình đã chết. Nàng Frị Blang chết vẫn còn xinh đẹp, nàng chết mà như đang nằm ngủ. Ôm xác vợ trên tay, chàng Rling Byơp òa khóc. Chàng khóc như đứa trẻ mất mẹ, như đứa con mất cha. Tiếng khóc của chàng vang vọng vào núi đá, tiếng khóc làm cho con nai không muốn nhai cỏ, chim trên trời không muốn vỗ cánh bay, cá dưới nước không còn muốn bơi lội. Chàng khóc ròng rã bảy ngày bảy đêm, khóc từ đầu mùa trăng cho đến khi không còn thấy trắng sáng. Nước mắt chàng thấm vào đất thành nước mạch suối nhỏ, thấm vào đá thành mạch nước ngầm.
Chàng khóc hết một mùa trăng. Vào một ngày đẹp trời, chàng Rling Byơp đem xác vợ trở về nhà. Dân trong làng đã bị hổ tinh ăn thịt hết chẳng còn ai. Chàng chôn cất vợ, rồi ngày nào chàng Kling Byớp cũng ra mộ vợ đứng ngóng về phía đỉnh Nâm N’jang với mong muốn một lần nữa thấy được nàng Fri Blang.
Một hôm, trời đang nắng chang chang, bất chợt mây mù, sương khói, sương muối phủ kín dày đặc, đất trời tối đen như ban đêm, mây mù bao phủ, chàng Rling Byơp đứng trong tư thế đợi chờ, trông mong. Không ai biết thời gian bao lâu, nhưng khi sương tan, trời sáng, tại chỗ chàng Rling Byơp đứng xuất hiện một bức tượng đá hình người. Bức tượng đã đứng mãi hàng ngàn năm nay.
Người kể: cô giáo H’Xuân, bon Đăk Blao, thị trấn Kiến Đức