CỌP SỢ THỎ

Lượt xem:

Đọc bài viết

 

Ngày xưa, Thỏ và Cọp cùng chơi thân với nhau. Nhân buổi tối mùa khô nóng rực, Cọp và Thỏ rủ nhau đến bên suối ngủ lại một đêm. Lúc ngủ, hai con vật thay nhau canh gác đêm hôm khuya khoắt. Cọp ngủ giấc đầu, Thỏ hỏi:

– Làm sao biết mày ngủ?

– Tao không ngủ được lúc bụng còn đói. Thức ăn trong người tao từ chiều đã tiêu tan hết, nhưng lúc tao nhắm mắt là ngủ đấy Thỏ ạ!

Thỏ dỗ dành: “Ờ được, ngủ trước đi, gần khuya còn canh giữ đàng hoàng cho tôi ngủ nữa…”. Cọp vâng lời, lim dim mắt rồi ngáy há hốc mồm. Khi mắt Cọp nhắm tít, Thỏ nhổ luôn mấy sợi lông bỏ vào mồm. Cọp cũng không thức dậy. Đến lượt Thỏ ngủ, Cọp dụi mắt hỏi:

– Làm sao biết mày ngủ?

Vốn thỏ đa nghi, Cọp lại có tính xấu, bụng đói là ăn luôn không còn nhớ ai là bạn thân thiết của mình, nên Thỏ đành phải nói dối:

– Lúc ngủ tao nhắm mắt!

Thực ra chưa lúc nào ngủ mà Thỏ nhắm mắt được. Vì khi ngủ mắt Thỏ vẫn mở to và ráo hoảnh. Cọp vừa canh giấc vừa để ý. Thỏ thức đã khuya nên nằm xuống ngủ ngay, lâu lâu Cọp liếc mắt nhìn vẫn thấy mắt Thỏ mở. Mãi cho đến tờ mờ sáng thức dậy. Cọp vẫn cứ ngồi canh chưa dám dở thói ra trò gì. Nhưng khi Thỏ vờ nhắm mắt, Cọp đã thấy thèm và bắt đầu lấy tay xoa thử từ đầu đến lưng Thỏ. Thỏ nhanh chóng cựa nhẹ mình như vừa tỉnh giấc làm Cọp ấp úng hỏi:

– Lúc ngủ mày mơ thấy gì không?

Thỏ trả lời:

– Có, đang ngủ tôi nằm mơ thấy có đứa bạn chơi xỏ. Nghe Thỏ nói, Cọp đã giật mình. Nhưng khi Thỏ dậy cứ làm như không có việc gì xảy ra, Thỏ vừa nhảy nhót liên hồi vừa nói:

– Bụng tối đêm qua không được tốt lắm! Ăn từ hôm trước giờ vẫn chưa thấy tiêu…

Nhào lộn xong, Thỏ rủ: “Anh Cọp ăn chưa chắc đã được nhiều hơn tôi. Giờ ta thử nôn ra xem ai ăn được thức gì nhiều? Chưa hẳn bụng anh ăn được nhiều thức ăn quý như tối đâu”.

Cọp tin là mình thắng cuộc. Cọp nôn ra xương đủ các loài vật. Riêng Thỏ lúc nôn ra còn có cả lông Cọp. Vừa trông thấy, Cọp nhủ thầm trong bụng: “Ghê thật, con Thỏ này bắt cả họ hàng của mình ăn thịt. Ăn lại ăn luôn cả lông”…

Từ đó, lúc nào Cọp cũng thấy gờm Thỏ.

Người kể: Điểu Kâu và Điểu Hùng

(Trích Truyện cổ các dân tộc Tây Nguyên, nhiều tác giả, Nhà xuất bản Văn hóa dân tộc, trang 469-470)