Đá bếp ở núi Gũng Kluay

Lượt xem:

Đọc bài viết

Theo ông bà kể ngày xưa ở trên núi Yôk Gũng Kluay có ba chỗ kiêng chặt: phía hướng Bắc có đá trắng, phía hướng Nam có đá bếp, phía hướng Đông có đá máng lợn và đá con lợn rừng cắn. Tại ba nơi đó, người ta kiêng chặt cây, bứt mây. Xung quanh nơi đó có nhiều cây riềng, cây chuối, cây Jõk mọc; con voi, con trâu đi không dám ăn. Ông bà nói ba nơi đấy có rừng thần.

Nghe ông bà kể như vậy, con cháu thanh niên có người tin, có người không tin. Có một thanh niên mới lớn, tên là Lêt. Ông Lêt thử khấn thần đá bếp. Một mình ông đi vào rừng đến nơi đá bếp, ông cắt máu gà nhỏ vào rượu phết cúng khấn đá bếp, ông nói:

– Tôi là người nghèo đói, làm rẫy không có lúa, kiếm ăn không có trâu, ché và lợn gà. Nếu thần đá bếp này thật linh thiêng, xin thần phù hộ nâng đỡ tôi được đủ no giàu có như người ta, làm rẫy được nhiều lúa, kiếm ăn có trâu, ché. Nghe ông bà nói: Đá bếp này linh lắm!

Ông Lệt khấn vái và phết máu gà nước rượu, rồi đi về nhà mình. Tối ngủ mơ thấy một bà già nói với Lêt:

– Cháu là ai mà cầu tôi phù hộ, nâng đỡ để trở thành người giàu có?

Ông Lêt đáp:

– Cháu là con cháu ba Phơm Jrơm, bon Bu Mrăng bà ạ! Đời cháu nghèo khổ quá, làm rẫy không thu nhiều lúa, kiểm ăn cũng không theo kịp người ta, vì vậy cháu khấn thần đá bếp xin thần phù hộ nâng đỡ cho.

Thần báo với Lêt:

– Cháu nói là đá bếp đó là nhà của bà, chính bà đây là thần đá bếp ấy. Bà ở đây bảo vệ cho dân làng bon ta, bà không biết phù hộ, nâng đỡ cho người thành giàu có. Nếu cháu là con gái, bà có thể giúp được phần nào, nhưng vì cháu là con trai, bà không giúp được. Bon Bu Mrăng giàu có phải là đàn bà, bảy đời người mới có một người.

Còn cháu Lêt này, nếu cháu muốn giàu không giàu nổi đâu. Cháu phải cúng gội đầu đủ năm loại vật: vịt, chó, gà, lợn, và trâu. Nếu cháu cúng đủ các thứ đó cháu làm ăn vừa đủ nuôi vợ con thôi, còn cháu muốn giàu có cho bằng người khác không có nổi đầu cháu ạ!

Lêt ngủ dậy suy nghĩ, bỏ qua không thèm cúng.

Người kể: Điểu Lêt

 

(Trích Truyện cổ M’nông, Bùi Minh Vũ – Điểu Kâu sưu tầm biên soạn, 2001, Sở Văn hóa – Thông tin Đăk Lăk xuất bản, trang 86-88)