MỘT CÂU CHUYỆN VỀ NGUỒN GỐC DÂN TỘC M’NÔNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

Thuở xa xưa ở vùng huyện Đăk Nông bầu giờ có một cặp vợ chồng ba lần sinh con nhưng không có đứa con nào sống được. Bố mẹ bên vợ và bên chồng của đôi vợ chồng bất hạnh này cho rằng họ bị ma quỷ ám hại. Sợ bị vạ lây cho giống nòi và bon làng nên họ đã đuổi vợ chồng này đi nơi khác. Hai vợ chồng dìu dắt nhau đến bờ một con suối. Ở đó họ dựng một cái chòi để ở và phát cây rừng làm rẫy, làm kế sinh nhai. Năm tháng trôi đi hai vợ chồng sống thui thủi chốn rừng sâu với nỗi buồn cô quạnh.

Một hôm, người vợ xuống suối gội đầu và lấy nước thì bỗng có tiếng trẻ khóc. Người vợ nhìn xung quanh không thấy người chỉ nghe thấy tiếng khóc trẻ phát ra từ một quả bầu trôi trên dòng suối. Nghe tiếng trẻ khóc vợ vừa sao xuyến vừa lo âu. Không cầm lòng được người vợ chạy theo hướng quả bầu và lội ra dòng suối vớt quả bầu lên. Sau đó, chị đem quả bầu về chòi và để chung với những quả bầu đựng nước khác. Một hôm đi làm rẫy hai vợ chồng chị bỗng nghe tiếng trẻ khóc phát ra từ phía chòi của nmình thì mừng lắm nên khấp khởi chạy về chòi để xem, nhưng không thấy đứa trẻ đâu cả. Cứ như thế sự việc trên diễn ra rất nhiều lần làm cả hai vợ chồng đều băn khoăn.

Rồi một hôm người chồng nằm mơ thấy vợ mình mang thai và thần linh hiện lên nói rằng: “Lần này ông bà sinh con nên nhớ cắt nhau của con bỏ vào quả bầu khô và đem vào rừng treo trên ngọn cây cao”. Sáng hôm sau khi ngủ dậy hai vợ chồng hết sức ngạc nhiên thấy một em bé gái nằm giữa hai người từ lúc nào. Hai vợ chồng vừa mừng vừa lo nhớ lại lời dạy của vị thần đem qua, người chồng cắt nhau của em bé bỏ vào quả bầu khô đem treo trên cành cây cao ở trong rừng. Có được con hai vợ chồng mừng lắm họ đặt tên cho con gái của mình la H’Nông. “Nông” có nghĩa là quả bầu – vì đứa con được sinh ra từ quả bầu.

H’Nông càng lớn càng xinh đẹp và đi lấy chồng. Vợ chồng H’Nông làm nhà ở bên bờ suối gần nhà cha mẹ. Họ phát cây rừng trồng lúa chăm chỉ làm ăn. Rồi những đứa con của vợ chồng H’Nông lần lượt ra đời, những đứa con của H’Nông lớn lên lấy vợ gả chồng, sinh con đẻ cái ngày càng đông đúc. Dần dần, nơi vợ chồng bà H’Nông sống thì phát triển thành bản làng và phân tán đi lập thành nhiều bạn khác. Sau này, con cháu bà H’Nông xem bà là người khai sinh ra dân tộc mình. Con suối nơi vợ chồng H’Nông ở đã được con cháu đặt tên theo tên bà để ghi nhớ lại sự tích tổ tiên và người khai sinh ra dân tộc mình.

Suối Đăk Buk Nông – nghĩa là suối quả bầu. Suối Đắk Buk Nông nay gọi là suối Đắk Nông. Và cũng để nhớ lại nguồn gốc sự tích tổ tiên, con cháu bà H’Nông cũng gọi dân tộc mình là dân tộc Ba Nông nghĩa là người sinh ra từ quả bầu.

 

Cô giáo H’Plơ, bon Spa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil