NÀNG YON LẤY CON THẦN

Lượt xem:

Đọc bài viết

Chuyện kể rằng, hồi xưa, hồi xưa, ông Djuêt chuẩn bị làm lễ hội đâm trâu. Ông nhờ một người trong buồn tên là N’đơi đi mời cô Oh Yon Kon Si Ma Sin (thường gọi là nàng Yon, con của ông Si, bà Sin), để phục vụ cho lễ hội.

Ông N’đơi đi đến buôn và nhà của nàng Yon hỏi xin bố mẹ để nhờ nàng về phục vụ cho ngày lễ hội đâm trâu của ông Djuêt.

Nghe vậy, bố mẹ của Yon không cho đi. Ông N’đơi đành phải về. Rồi ông N’đơi đến nhà nói lại với ông Djuêt vì bố mẹ của nàng Yon không cho đi.

Nghe vậy đích thân ông Djuêt đến nhà của nàng Yon. Nhà nàng đóng cửa.

Ông gõ cửa và nói:

– Yon ơi, cháu mở cửa cho tôi với, tôi muốn vào thăm cháu đây.

Yon ra mở cửa và mời ông Djuêt khổng lồ ngồi ở bên bếp lửa, rồi nàng lại vào trong buồng của mình, không tiếp ông Djuêt nữa.

Thấy vậy, ông Djuêt nói:

– Sao hôm nay tôi đến thăm cháu và gia đình của cháu, tại sao cháu không tiếp tôi?

Nghe ông Djuêt nói, Yon ở trong buồn đi ra, rồi lấy thuốc mời và tiếp chuyện.

– Ông qua đây có việc gì không vậy?

Ông Djuêt đáp:

– Cháu ơi, tôi cũng không giấu gì cháu. Tôi qua đây, mượn cháu qua nhà để phục vụ ngày lễ đâm trâu, vậy đó cháu ạ.

Yon đáp:

– Như vậy thì không được đâu ông ạ. Bố mẹ cháu không cho đi. Bình thường thì bố mẹ cháu đi làm còn cháu vẫn ở nhà. Bố mẹ không cho cháu ra ngoài đầu.

Nghe Yon nói như vậy, ông Djuêt buồn và khóc, nước mắt của ông chảy thành dòng nước làm trôi cả cối giã gạo và đồ đạc trong nhà.

Thấy vậy, Yon nói:

– Thôi được rồi ông ơi, tí nữa cháu sẽ đi ông ạ.

Yon chuẩn bị bữa cơm mời ông Djuêt.

Yon nói:

– Ông ơi, ông ăn canh gì, canh lá rừng hay ông ăn thịt sóc? Hai thứ này, ông ăn có được không?

Ông Djuêt đáp:

– Ô tất cả như rau lá rừng, con sóc cũng vậy, các thứ đó tôi không ăn đâu, chỉ ăn cá Bit M’pich [một loại cá thường ăn rong rêu ở suối đá]; cá Răch M’pôi [giống như cá Bit M’pich nhưng vảy lớn nhất cũng chỉ bằng ngón tay út] và cá Ka Răch Ka Tăng [thường ăn rêu ăn rong bám vào các hòn đá ở suối, không lớn bằng ngón tay].

Yon lại hỏi:

– Trong trường hợp, cơm có phân chuột, ông có ăn không? Gạo nứt, gạo có trấu, ông có ăn được không?

Ông Djuêt trả lời:

– Ồ, tất cả các thứ cháu vừa nói đó, ông không ăn được đâu. Cháu cho cơm gì mà dẻo như nếp hoặc Ba Ke [một loại lúa dẻo, lúa thơm của dân tộc M’nông], như vậy tôi mới ăn được.

Yon làm đúng như yêu cầu của ông Djuêt và mời cơm. Khi dùng cơm xong rồi, ông nói với cô Yon:

– Cháu ơi, không giấu gì cháu, tôi đi đến đây là để nhờ cháu về phục vụ cho tôi nhân ngày lễ hội đâm trâu, Chuyện có vậy thôi cháu ạ!

Yon tỏ vẻ chối từ:

– Không được đâu ông ạ! Bố mẹ của cháu không cho cháu đi.

– Cháu đừng nói như vậy, cháu ơi. Tôi không có người phục vụ nên mới đến đây nhờ cháu mà.

Yon vẫn một lời:

– Nếu như vậy cũng không được đâu ông ơi.

Ông Djuêt nghe nói vậy ông lại khóc, rồi nước mắt của ông làm trôi mọi vật trong nhà.

Yon thấy vậy, rất sợ, đành nói:

– Ông ơi, ông đừng khóc nữa, bây giờ cháu chịu đi rồi, nhưng ông phải xin phép bố mẹ của cháu cho phép thì mới được.

Đến chiều, bố mẹ của Yon đi rẫy về, thấy ông Djuêt sang thăm, họ chưa biết việc gì, nên cứ ăn cơm bình thường. Ăn cơm xong, bố mẹ của nàng Yon bưng rượu mời ông Djuêt uống.

Trong lúc uống rượu, ông nói với bố mẹ của Yon mượn nàng về phục vụ lễ hội đâm trâu của ông.

Bố mẹ của Yon nói:

– À, nếu như người khác thì không được, còn với ông, chúng tôi cho đi, nhưng đến bon đó, ông phải quản lý nó cho tốt. Khi về nếu chúng tôi thấy nó hư, chúng tôi chém nó đó. Hôm nay, vì có ông là người lớn nên chúng tôi mới đồng ý.

Sáng ngày mai, ông Djuêt bảo Yon chuẩn bị đồ đạc để đi phục vụ lễ hội.

Vậy là Yon mang một gùi nhỏ đựng đồ đạc của nàng. Ông Djuêt đi trước, Yon theo sau. Khi đến buôn của ông Djuêt, tự nhiên mọi người và thú vật như trâu, bò, heo, gà thấy Yon hiện ra rất đẹp nên đã ngất xỉu.

Thấy có những hiện tượng bất thường, Yon nói:

– Vậy đó sao? Ông có thấy ông Djuêt? Tại sao ông cứ nằng nặc bắt cháu đi! Ông có thấy chưa? Kiểu này, cháu cũng không biết làm sao!

Rồi hai ông cháu tiếp tục đi, đến nhà, Yon lấy ngải ra thổi, mọi người đều sống lại tất cả. Ông Djuêt đi kêu thêm người trong bon để đến phục vụ. Người chặt cây, kẻ dựng cây nêu và trang trí trong lễ hội. Yon lo bửa củi, một ngày được mấy chục gùi, so với người trong bon thì không ai theo kịp.

Sau khi chuẩn bị xong, ông Djuêt nói với những đứa con của mình và những người phục vụ, đi thông báo tối tiến hành lễ hội chính thức. Và rồi, đêm như ngưng lại vì âm thanh cồng chiêng vui nhộn vọng đến bon gần bon xa, đến tai chàng Tang Loih, con của thần Lúa ở trên trời.

Chàng Tang Ke Loih nói:

– Bon của ai mà đánh chiêng suốt ngày vậy ta?

Rồi chàng bình tâm lắng tai nghe cẩn trọng, bụng nghĩ: “Ổ, vậy là ở bon ông Djuêt, ông N’đơi à? Mình cứ xuống đó thử xem sao?”

Và chàng chuẩn bị đi. Chàng quấn khăn R’bây trên đầu, đóng khố có hạt cườm, mang theo một chiếc chiêng N’dât [chiêng số hai trong bộ chiêng gõ bằng tay của đồng bào M’nông] và hai quả lục lạc; sau đó, chàng lấy cuộn dây chỉ phóng từ trên trời đến nhà ông Djuêt. Đường đến nhà ông Djuêt hiện ra, cứ như vậy chàng đi đến nhà.

Đến nơi, chàng hỏi:

– Hôm nay, nhà có kiêng cữ gì không ông?

Ông Djuêt nói:

– Cháu đến thăm tôi, có việc gì quan trọng không cháu?

Tang Ke Loih đáp:

– Không có gì đâu ông ơi, tôi chỉ đi thăm chơi thôi.

Ông Djuết đáp:

– Ừ vậy thì cháu vào nhà chơi với chúng tôi.

Rồi ông mời chàng hút thuốc, uống rượu, nhảy múa.

Trong lúc uống rượu chàng Tang Ke Loih thấy Yon xinh đẹp ở trong buồng [ông Djuêt không cho ra ngoài tiếp khách], ông cột cửa buồng và che đến bảy cái nia.

Chàng Tang Ke Loih liền lấy ngải ra và làm phép, khấn ngải này cho trâu bò đừng kêu, làm cho con người ngủ bảy ngày, bảy đêm ở cái bon này.

Khi chàng khấn xong, tất cả mọi người trong bon của ông Djuêt, cả heo, gà, trâu, bò, đều ngủ hết. Tang Ke Loih lò mò đến buồng của nàng Yon và hỏi:

– Em ơi, mở cửa giùm cho anh, anh muốn vào thăm em đây.

Yon đáp:

– Cửa thì ông cứ tự mở, tôi không ra mở được đâu.

Tang Ke Loih lấy dao cắt hết dây ràng cửa buồng và chàng vào, nói với nàng Yon:

– Tôi nghe tiếng em đã từ lâu rồi em ạ! Nay tôi quyết lòng đến để gặp em! Và cũng thật lòng nói với em rằng: “Tôi rất yêu em”.

Từ hôm đó, Yon và Tang Ke Loih cứ thế mà chung đụng với nhau.

Sau những phút giây êm đềm bên nhau. Tang Ke Loih nói với Yon:

– Đây, tôi để lại cho em một chiếc chiêng N’dât, cùng hai cái lục lạc này, và tôi sẽ về thôi, xa em thôi. Nếu sau này, em có sinh con gái thì đặt tên cho nó là Grum Grao, nếu sinh con trai thì đặt tên là N’sung N’Jang, vậy nhé!

Nói xong, chàng Tang Ke Loih về trời.

Sau khi chàng Tang Ke Loih về trời, tất cả trâu, bò, heo, gà và người trong bon ông Djuêt mới tỉnh lại thật sự. Mọi người không biết chuyện gì xảy ra. Họ lại tiếp tục ăn, uống rượu cần, đánh chiêng vui nhộn kéo dài.

Bắt đầu từ ngày đó, Yon không còn muốn làm việc gì nữa, ăn uống cũng không thiết nữa. Nàng vẫn ở một mình và không làm được mọi chuyện hàng ngày.

Thấy vậy, ông Djuêt hỏi Yon:

– Cháu ơi, tại sao mấy hôm nay, cháu không được vui vậy? Bình thường đầu thấy cháu như vậy đâu?

Yon đáp:

– Ông Djuêt ơi! Ông Djuêt ơi! Bây giờ cháu đã bị người ta hại rồi, nếu cháu về nhà thì bố mẹ cháu sẽ giết cháu đó ông ạ. Cháu đã nói với ông rồi mà ông cứ bắt cháu đi!

Ông Djuêt đáp:

– À ra vậy! Tôi thật sự không ngờ sự việc lại xảy ra tồi tệ cháu ơi.

Nhưng chuyện đã lỡ rồi, để chờ hết ngày lễ hội, tôi sẽ đưa cháu về nhà bố mẹ của cháu. Cháu cũng không phải lo lắm đâu.

Rồi ngày hội cũng kết thúc, ông Djuêt đưa Yon về. Khi về đến nhà, ông Djuêt xin lỗi bố mẹ của Yon.

Bố mẹ của Yon thấy nàng có thai, vẫn không nói một lời với con. Cuối cùng, mẹ của Yon nói với ông Djuêt:

– Chúng tôi nói trước rồi, quyết không cho nó đi. Bây giờ trường hợp tồi tệ này xảy ra như thế này, tôi sẽ chém nó thôi.

Ông Djuêt nghe nói vậy, không biết trả lời thế nào, đành xin phép ra về.

Bố mẹ, ông bà nói với Yon:

– Bây giờ mày phải đan dệt tấm N’juh, một ngày phải được bảy tấm và đưa cho tao, riêng mày thì chúng tao sẽ chém chết thôi.

Yon ngoan ngoãn nghe lời, miệt mài đan xong hết bảy tấm đắp. Thấy vậy, mẹ của Yon lại cột hết trâu, bò, dê, heo ngay ở chỗ sân trước nhà để chuẩn bị giết con.

Mẹ của Yon nói:

– Mày cứ chuẩn bị hết cồng chân, cồng tay và tất cả những cái gì của mày như là yên N’rang, rồi mày đi tắm đi nhé.

Yon ngoan ngoãn vâng lời.

Thấy Yon đi tắm khá lâu, bố mẹ của nàng đi xuống bến nước gọi về.

Khi về đến nhà, bố mẹ trói Yon lại.

Sau đó, mọi người cột nàng vào giữa bầy súc vật đã được cột sẵn. Rồi người ta đập vào con heo. Con heo đạp vào người của Yon, và các con vật khác thay nhau hành hạ nàng.

Thấy vậy, bố mẹ hỏi:

– Sao, mày có thấy đau không?

Yon đáp:

– Muốn con chết nên bố mẹ mới làm thế này. Bố mẹ cứ giết con đi.

Bố mẹ của Yon tiếp tục đánh các con vật khác, chỉ còn con trâu là chưa chém kịp thôi.

Rồi chú quạ bay ngang qua, thấy mọi chuyện xảy ra chú nói:

– Tại sao phải hành hạ nhau vậy? Không được giết đâu nhé.

Nói xong chú quạ bay thẳng đến nhà thím của Yon là Dôt R’sôi, Sôi R’dây. Chú quạ nói:

– Chú thím Dôt R’sôi, Sôi R’dây ơi, bố mẹ của Yon chờ giết một con trâu nữa thì mới giết Yon. Thím tới đó ngăn cản, nếu không thì Yon sẽ chết.

Nghe tin đó, thím của Yon liền đi ngay. Đến nơi, may còn kịp. Bà nói với người chị của mình là mẹ của nàng Yon.

– Chị ơi, tại sao chị làm như vậy? Mình là con người, không được làm như vậy đâu! Đã lỡ rồi nhưng cũng chưa muộn. Thôi chị không muốn nuôi cháu Yon thì để tôi nuôi.

Vừa nói xong, bà Dôt R’sôi, Sôi R’dây lấy dây cắt dây trâu, cả dây cột Yon, rồi bà liền đưa nàng về nhà để nuôi và chăm sóc Yon.

Từ đó, Yon ở luôn với bà thím. Bà thím lo tìm lá thuốc để chữa các vết thương cho Yon.

Một thời gian sau, đến ngày sinh nở, Yon sinh đôi, được hai đứa con trai. Yon đặt tên cho nó là N’Sung và N’Jang.

N’Sung và N’Jang ngày càng lớn, biết đi biết chạy. Sau đó, chúng theo ông Djuêt đi chăn trâu, bò.

Bỗng nhiên đến một ngày, chú quạ từ trên trời bay xuống mang theo hai cục thịt đến bãi chăn trâu, bò của ông cháu N’Sung, N’Jang. Thấy vậy, ông Djuêt hỏi:

– Chú quạ ơi, chú mang theo cái gì vậy?

Chú quạ đáp:

– Chú Tang Ke Loih bảo tôi đưa thịt cho N’Sung và N’Jang ông ạ.

Ông Djuật nói:

– À, nếu vậy, tụi nó cũng đang ở đây.

Ông chỉ tay và nói:

– Đó, tụi nó đó.

Vậy là chú quạ đưa thịt cho N’Sung và N’Jang. Đến tối về tới nhà, chúng kể chuyện này với mẹ:

– Mẹ ơi, mẹ, chúng con có thịt đây này. Thịt của bố chúng con gửi về mẹ ạ.

Yon đáp:

– Các con nói bố các con ở đâu vậy? Các con làm gì mà có bố!

N’Sung, N’Jang đều trả lời:

– Không, bố con là Tang Ke Loih, chú quạ nói như vậy mà!

Mẹ Yon nói:

– Các con ơi, đừng có tin chuyện họ nói bậy bạ như vậy. Họ sẽ lừa và bắt các con.

N’Sung nói:

– Không được đâu mẹ ơi, lúc đầu tụi con không dám nhận, vì có ông Djuêt ở đó bảo nhận, chúng con mới nhận.

Sáng hôm sau, N’Sung, N’Jang theo ông Djuêt đi chăn trâu. Đến bãi chăn khoảng một lúc, chú quạ lại đến đưa thịt. Chú quạ nói:

– Bố mày ở trên giời giàu có lắm, ngày nào cũng ăn thịt heo, thịt gà và lâu lâu cũng ăn thịt trâu đó.

Nghe vậy, hai anh em N’Sung, N’Jang nói:

– Nếu vậy, nhờ chú dẫn đường cho chúng tôi đi thăm bố trên đó, có được không? Chú quạ nói:

– Tưởng việc gì chứ việc đó thì được. Đêm nay, hai anh em về nhà xin phép mẹ và dì, sợ là mẹ và dì không đồng ý cho đi, nhưng phải trả công mới được.

N’Sung nói:

– Vậy phải trả bằng gì hả chú?

– Cho tôi một chum lọ lem và Dak Trum [một loại thuốc để nhuộm vải màu đen, thuốc này lấy từ cây rừng].

Chiều về, hai anh em nói với mẹ:

– Hôm nay, chúng con lại được bố gửi thịt. Ngày mai, chúng con sẽ đi thăm bố. Nghe thế, người mẹ quả quyết không cho đi. Hai anh em bàn với nhau.

N’Sung nói:

– Mình cứ lấy trộm Dak Trung của mẹ, đưa cho chú N’ak, rồi theo chú N’ak đi thăm bố.

Người mẹ nói:

– Thôi, nếu như vậy các con cứ đi, nhưng ngày mai hai con đưa mẹ đến gặp chú ụa để mẹ nhắn vài lời.

Nghe mẹ nói, hai anh em rất mừng. Sáng hôm sau, hai anh em đi cùng mẹ và ông Djuêt đến bãi chăn trâu, bò. Một lúc sau, con quạ bay đến và nó liền hỏi ngay:

– Sao, hai chú có đi không? Nếu muốn đi thì thuốc nhuộm đã có chưa? Đây, bố của mày lại gởi thịt nữa đây. Thấy vậy, mẹ của N’Sung, N’Jang nói và hỏi chú qua:

Chú nói thật không vậy đó? Nếu đúng như vậy thì thuốc nhuộm đã có sẵn rồi đây. Tôi sẽ cho chú, nhưng chú phải dẫn con tôi đến bố của nó, nếu thất lạc giữa đường, tôi sẽ giết chú ngay.

Chú quạ đáp:

– Ô, không sao đâu! Nước nhuộm đen đâu, đưa đây để tắm trước cái đã.

Rồi chú quạ tắm, tắm xong, chú quạ đen mướt, chú quạ bảo hai anh em N’Sung, N’Jang trèo lên lưng của chú, và cứ nhắm hướng trời chú bay.

Chú quạ cố bay đến nửa đường, bên một cây đa cổ thụ, chú quạ để N’Sung và N’Jang ở đó.

Chú quạ nói:

– Tụi bay ngồi chờ ở đây nhé, tao đi xuống kia ăn đỉa. Bây giờ tao đang đói lắm chúng mày ơi.

Hai anh em nói với chú N’ak:

– Sao chú đành bỏ chúng cháu giữa đường như thế này vậy? Chúng cháu có biết đường đâu!

– Không sao, các cháu cứ chờ ở đây.

Nói xong, chú quạ bay đến nơi, rồi ăn con đỉa no nê. Khi chú quạ đang chuẩn bị về, có một con diều hâu không biết từ đâu bay đến, nó bắt và ăn thịt chú quạ.

Hai anh em thấy chú quạ bị chết, ngồi khóc vì không biết đường đi, đường về cũng không biết, cứ ngồi trên cây đa thôi.

Tình cờ có chú R’Lêng – chim én bay ngang qua, nghe tiếng khóc liền ghé lại và hỏi:

– Ủa, tại sao các người lại ở đây, mà làm sao phải khóc như vậy?

Hai anh em đáp:

– Dạ, chúng cháu chờ chú quạ dẫn đường để đi thăm bố tên là Tang Ke Loih. Thế rồi chú quạ đưa đến đây và thả chúng tôi ở đây, vì đói quá nên chú quạ đi bắt địa để ăn. Khi ăn xong, con diều hâu bắt và ăn thịt chú rồi, bây giờ chúng tôi không biết đường đi và đường về.

Nghe vậy, chú R’Lêng nói:

– À, tôi tưởng là ai, chứ chú Tang Ke Loih thì tôi biết. Ông đang ở trên kia, ngày nào cũng ăn thịt. Thôi, trèo lên lưng của tôi, tôi sẽ đưa đến nhà của chú Tang Ke Loih.

Hai anh em trèo lên lưng chú R’lêng.

Vậy là chim én cõng hai anh em N’Sung, N’Jang bay đến giếng nước của Tang Ke Loih, để trên cây gần giếng nước, rồi nói:

– Tụi mày cứ chờ ở đây thôi, chờ bà là mẹ của bố Tang Ke Loih đi lấy nước, nhớ thả quả lục lạc xuống, mẹ của ông nghe thấy sẽ nhận ra ngay. Bà của chúng mày rất đẹp, bà đeo cồng tay, cồng chân và cồng cườm ở cổ, còn tôi bây giờ đi kiếm ăn cái đã.

Một lúc sau, hai anh em thấy bà mẹ của Tang Ke Loih đi lấy nước, dù bà già nhưng rất đẹp. Bà đeo cồng tay cồng chân, cổ thì đeo dây cườm thường có, dây cườm Kach cũng có và mặc yên N’rang.

Thấy bà, hai anh em mới hỏi đoán với nhau:

Chắc đó là bà của mình. Mình thả thử hai cái lục lạc này xem bà có nhận ra không?

Hai anh em đồng ý rồi thả lục lạc xuống.

Bà nghe tiếng lục lạc ở cạnh mình, bà nhìn qua và lượm lên. Vừa nhìn qua, bà biết lục lạc này là của con Tang Ke Loih. Bà hỏi vọng:

– Ai mà thả lục lạc này vậy? Cái lục lạc này là của con tôi đây! Người nào có được mà thả xuống đây?

Hai anh em N’Sung, N’Jang ở trên cây đáp:

– Vâng, chúng cháu đây ạ! Chú quạ thường đưa thịt cho tụi cháu hằng ngày, đã đưa tụi cháu đến gặp bố là Tang Ke Loih, nhưng đến nửa đường, chú quạ nghỉ đi ăn lại bị con diều hâu bắt ăn thịt chết rồi. May quá gặp chú R’lêng, chú đưa chúng cháu đến đây đó bà ạ.

Bà sợ rớt mấy cái lục lạc nên xâu cột chặt và gùi mang nước, rồi về đến nhà, xếp các bầu nước vào nhà đàng hoàng. Bà định phơi cái gùi mang nước ở ngoài sân, thì nghe thấy tiếng lục lạc, chợt nhớ, nên nói với Tạng Ke Loih:

– Tang Ke Loih ơi, con của mày đang ở dưới bến nước của mình đấy. Nó thả hai cái lục lạc xuống. Lục lạc này đúng là của con đây, mẹ xem qua là nhận ra ngay, con nhanh xuống bến nước dẫn tụi nó về. Chúng nó ở trên ngọn cây cao. Chỉ có hai anh em thôi, toàn là con trai, có nói tên là N’Sung, N’Jang. Đây là cái lục lạc của nó thả xuống cho mẹ. Con xuống dẫn nó về, kẻo chúng nó đói con ạ.

 

Tang Ke Loih liền đi ngay. Đến bến nước, chàng gọi vọng, nghe tiếng đáp thì trèo lên đưa hai đứa xuống và dẫn về nhà.

Chàng và bà cho hai anh em ăn cơm. Tối hôm đó, gia đình nướng heo, bưng rượu thiết hai anh em để xin lỗi, sau đó giữ chúng ở lại chơi. Hai anh em ở lại nhà bà đến ba bốn tháng. Vì ở lâu quá nên nhớ mẹ, N’Sung, N’Jang, bảo bố đưa chúng con về với mẹ. Ông bố nghe vậy, lo chuẩn bị mọi việc và nói với mẹ:

– Bây giờ con phải đưa chúng nó về. Có khi con ở dưới đó cũng nên.

Người mẹ đáp:

– Khi về đến nơi, nếu ở luôn, con nhớ nên sống với vợ với con cho đàng hoàng.

Tang Ke Loih lấy một ít giống lúa, dưa, bầu bí và những thứ khác, rồi chàng chọn một con voi to nhất trong đàn làm phương tiện đi.

Rồi Tang Ke Loih lấy cuộn chỉ, vứt xuống, thấy hiện ra đường về của bon ông Djuêt.

Tang Ke Loih theo đường đó dẫn hai con đến nhà Dôt R’Sôi, Dôi R’Sây.

Gặp nhau, sau đó họ làm lễ cưới. Từ lúc ấy, Tang Le Loih mới thành chồng chính thức với Yon, mẹ của N’Sung và N’Jang. Tang Ke Loih ở lại luôn với Yon cùng nuôi hai con, cùng làm nương rẫy. Gia đình họ hạnh phúc, yên ổn, cứ như vậy sống qua trăm mùa rẫy.

 

Người kể: Cô giáo H’Plơ, bon Spa, xã Thuận An, huyện Đắk Mil