NỢ ĂN LÚA, KHỈ TRẢ BẰNG CHIÊNG

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày xưa, có một chàng trai sống mồ côi cha mẹ, không nơi nương tựa, quanh năm suốt tháng làm nương làm rẫy phơi nắng dầm sương mà không nuôi nổi thân mình.

Chàng đi đặt bẫy, chàng đặt bẫy nhiều không đếm nổi, đặt dọc bờ suối, đặt quanh cả chín đồi bảy núi, đặt đã mấy ngày mấy tháng mà vẫn chưa được một con thú nào.

Một hôm, chàng lại ra rừng thăm bẫy, chàng thấy một cái bẫy bị gãy cần mà không thấy con thú dính bẫy. Con thú kỳ lạ này khi trúng bẫy đã lôi cần bẫy đi, làm ngã rạp cả một luồng cỏ rừng thành một lối to như đá trên núi lăn xuống vực. Thế là chàng cứ lần theo dấu vết để tìm. Chàng nghĩ là con thú to nên chuẩn bị gươm đạo giáo mác để đối phó.

Đến một đầu dốc, gần thung lũng sâu thẳm, chàng nghe tiếng rên rĩ như tiếng người kêu cứu. Chàng tò mò quan sát xung quanh, nhưng chẳng thấy người đâu cả. Tiếng rên rĩ càng lúc càng to, chàng ngó tới ngó lui trên cành cây, dưới bụi rậm, giữa hốc đá. Đến gần cây to bên bờ suối, chàng thấy một con khỉ nhỏ đang bị dây thắt cổ trên cành cây. Chàng liền leo lên cây gỡ nó xuống. Con khỉ nhỏ dễ thương thở thoi thóp và nhìn vào mắt chàng có vẻ nói lời cảm ơn vì đã cứu mình. Thấy vậy, chàng không nỡ lòng làm thịt khỉ, dù rằng chàng đang thèm thịt rừng và bụng đang đói cồn cào. Thế là chàng mang khỉ con bỏ trong gùi và lững thững đi về. Dọc đường về, chàng hái rau, bẻ măng, chặt đọt mây để có bữa ăn qua ngày.

Hàng ngày, chàng làm rẫy làm nương, thăm bẫy, được con cheo, con chồn chàng làm thịt ăn một mình. Còn con khỉ, chàng cho ăn bằng khoai và không có ý định làm thịt nó nữa. Từ đó, chàng và khỉ con thành bạn thân thiết.

Một hôm, trong lúc lúa của chàng đang chuẩn bị trổ bông, một bầy khỉ đột nhiên tới phá lúa của chàng. Chúng ăn từ đầu rẫy đến cuối rẫy, ăn cả bí cả bầu không còn một trái. Chàng trai tức quá ra mé rẫy chặt lồ ô làm bẫy, vót chông vót tên để phục thù bọn chúng.

Vài ngày sau, bọn khỉ ác kia lại tới phá lúa như lần trước. Chàng đuổi nó từ bên này, nó lại chạy bên kia, bắn trúng con này con khác lại tới. Thế là hôm đó chàng bắn được bao nhiêu con khỉ chết là chàng đem làm thịt hết. Chàng làm thịt khỉ bỏ vào đầy gùi, đầy rổ, đầy ống nứa ống tre, ăn no nê rồi lăn ra ngủ.

Trong giấc ngủ ngon lành, chàng mơ thấy con khỉ con mà mình đang nuôi mách bảo rằng:

– Chàng cứ cho bọn chúng ăn lúa ăn khoai, đừng bắn chết ăn thịt chúng nó nữa. Ngày mai, chàng theo tôi đến nhà của khỉ đột mà đòi nợ ăn lúa, bảo chúng đền cho đủ lúa trăm gùi, trăm bồn của chàng, nhưng đừng mang theo cung tên, chàng đừng lo để tôi chỉ đường cho. Hôm sau lúc tỉnh dậy, chàng ngơ ngác nhìn khỉ con có vẻ nửa tin nửa ngờ. Suy nghĩ mãi không ra, chàng đành hỏi khỉ con về giấc mơ. Khỉ con cũng gật đầu lia lịa chỉ tay về hướng mặt trời lặn.

Khỉ con nắm tay chàng dắt đường đi. Thế là họ đi, đi qua bao con sông, con suối, trèo qua bao núi, bao đồi, đến chập choạng tối thì tới một cái hang đá tối om. Tới cửa hang, khỉ con nhanh nhẹn lấy tay đánh vào mấy cái ống tre trước cửa hàng, chàng nghe thấy tiếng kêu rất lạ kì của ống tre.

Nghe thấy tiếng động ngoài cửa hàng, không biết ai mà to gan dám đánh vào chiêng quý, một con khỉ đột đầu đàn tức giận chạy ra và hung dữ nói:

– Thằng nào dám đánh chiêng quý của ông bà nhà khỉ đó, to gan thì bước ra cho ta nhìn mặt.

Thấy khỉ đột già từ trong hang ra, to bằng nửa gian nhà, gần chật miệng hang, chàng trai sợ quá nên nhanh nhẹn núp sau tảng đá, còn khỉ con hiền lành nhanh nhẹn leo lên cửa hang đánh tiếp ống tre liên hồi để khiêu khích con khỉ già.

Thấy tiếng ống tre càng lúc càng kêu to, vang khắp cả trong hang một lúc một to hơn, khỉ đột già kia lại càng tức giận hơn. Khỉ già ngước mắt nhìn lên miệng hang, thấy một con khỉ con chỉ to bằng một nắm tay, nó giận quát:

– Này thằng khỉ con kia! Mày là dòng họ nhà ai? Con cháu nhà nào mà dám vào đây đánh chiêng quý báo động cả làng ta? Mày có biết làm như thế là có tội nặng với dòng họ nhà khỉ không?

Nghe con khỉ già nói, con khỉ con cười hề hề, tay gãi gãi lên đầu, chân vắt ngang đầu gối rung đùi, nói:

– Ông ơi, con đây mà, con là con cháu của nhà khỉ mắt đỏ (Dôk gur) đây. Ông không nhận ra con à? Dòng họ nhà con cũng có bà con với họ khỉ đột nhà ông nữa mà. Khỉ già trả lời:

– Thế hả? Nếu mày biết thế sao dám liều lĩnh đánh chiêng quý, chiêng thiêng nhà ta? Xưa nay có ai trong dòng họ dám đụng tới nó.

Khỉ già nói chưa hết lời, khỉ con nhanh nhẹn cướp lời:

– Ông ơi ông à ! Nếu con không làm như vậy thì làm sao ông ra ngoài này để gặp con được, còn người khác họ có biết con là ai đâu?

Khỉ già suy nghĩ một hơi rồi chậm rãi hỏi khỉ con:

– Tao nghe họ nói mày đã bị bọn người bắt làm thịt rồi mà, cả bố mẹ, dòng họ nhà mày cũng nói này đã chết rồi mà.

– Ông ơi! Chủ rẫy lúa mà loài khỉ của mình ăn hết mấy năm qua là người cứu con đấy ông à, nên con còn sống đây mà.

Nghe khỉ con nói, khỉ già lại hỏi:

– Thế người đó đang ở đâu?

Khỉ con trả lời:

– Ông ơi, nhưng với điều kiện, ông phải hứa với họ trước mặt cháu con ở đây, từ nay dòng họ khỉ nhà ta không đi ăn hại mùa màng của con người nữa thì con mới chỉ người cứu con với ông.

Khỉ già suy nghĩ một lúc rồi mới gật đầu đồng ý. Khỉ con nhanh nhẹn nói tiếp:

– Thế bây giờ mình đến mùa màng cho họ bằng cái gì mới được chứ?

Nghe nói đến việc đền bù, khỉ già gãi đầu suy nghĩ một lúc rồi nói:

– Dòng họ nhà mình có gì quý giá đâu mà để đền. Nhà mình toàn đi ăn cắp, phá lúa của họ, bí bầu của họ, mình chỉ biết ăn trái cây rừng là chính.

Nghe khỉ già nói thế, khỉ con nói tiếp:

– Này ông ạ, thế chiêng quý, cồng quý của mình không ai dám đánh, dám đụng tới nó thì ông lấy cái đó đền cho người ta, rồi nay mai mình tha hồ ăn lúa, ăn khoai nhà họ, còn họ thì được quyền dùng mấy thứ đó, tuỳ họ.

Nghe nói tha hồ ăn lúa, ăn khoai thì khỉ già thấy có lý và khoái chí liền gật đầu đồng ý.

Khỉ già liền cất giọng nói ôn tồn:

Thế họ đang ở đâu? Mời họ vào nhà đi. Nghe khỉ già nói thật lòng, chàng trai mới dám bước ra từ sau tảng đá và khỉ con dễ thương, mưu mẹo kia nắm tay chàng dắt vào hang khỉ.

Khi bước qua cửa hàng tới làng khỉ, cả dòng họ, bố mẹ khỉ con nhận ra và hớn hở vui mừng vì thấy con mình đã trở về.

Đêm hôm đó, chàng trai ở lại một đêm tại làng khỉ. Khỉ cho chàng ăn cơm, uống nước.

Khỉ vui vẻ đánh chiêng quý, chiêng thiêng một đêm cuối, để tạm biệt chiêng quý vì ngày mai phải trả nợ cho chủ rẫy.

Sáng hôm sau, chàng trai về. Trong gùi của chàng, họ nhà khỉ đã xếp sẵn sáu cái chiêng to nhỏ. Chàng trai cũng hứa hẹn:

 

– Lúa rẫy nếu khỉ thích ăn thì ăn, nhưng xin nhà khỉ đừng ăn hết của người, đừng để người thiếu lúa gạo ăn, chết đói, không còn ai đánh chiêng quý, chiêng thiêng của dòng họ nhà khỉ trả nợ lúa, sẽ buồn lắm.

Dặn dò hứa hẹn xong, chàng trai rảo bước ra về. Họ nhà khỉ răm rắp theo sau. Tới rẫy lúa, khỉ ăn lúa, thấy khoái khỉ ăn khoai, bí bầu, bắp đậu.

Còn chàng trai kia nhanh chân về nhà gọi trai làng, gái bon, mang rượu, mang heo gà đem ra rẫy làm lễ cúng chiêng thiêng, chiêng quý của nhà khỉ. Họ ăn uống linh đình trong rẫy, họ liên tục thay nhau tập luyện đánh chiêng, càng đánh càng hay, càng uống càng say, càng say càng đánh được nhiều bài. Trong đó có bài đuổi khỉ ăn lúa có câu như sau:

“Khỉ ơi, khỉ đừng ăn lúa nữa,

Nếu có ăn chỉ ăn mé rẫy.

Ăn mé rẫy che mắt cho nai,

Ăn mé rẫy che mắt cho heo rừng.

Chuyện ngày xưa ta đã thề nhau,

Ăn hết lúa người, người cũng buồn đau

Không cho khỉ ăn ta cũng buồn,

Chuyện nợ lúa đã trả xong rồi, tiếng đuổi khỉ đừng buồn nhé”.

Từ đó, con người có cái chiêng và biết đánh nhiều bài chiêng. Cứ mỗi lần mùa lúa trổ bông, người M’nông thường dùng ống tre sáu dây ngồi trên chòi cao giữ lúa, du dương đánh đàn tre nghe như tiếng chiêng thật. Cũng có lúc khỉ vẫn đến ăn lúa ở mé rẫy nghe du dương tiếng đàn tre (gong chiêng) với làn điệu bài đuổi khỉ ăn lúa (nau dak saba) là bầy khỉ ăn vài bụi lúa rồi lặng lẽ rủ nhau đi tìm trái cây để ăn.

 

Người kể: cô giáo H’Xuân, bon Đăk Blao, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk Rlấp