Ntar Nkhũn không mổ vợ đẻ

Lượt xem:

Đọc bài viết

Năm xưa, phụ nữ mang thai chưa biết đẻ. Phụ nữ mang thai đủ chín tháng mười ngày, người chồng rèn dao để mổ. Chồng mổ lấy con trong bụng ra nuôi riêng. Còn người vợ đành phải chết để lấy con.

Ntar Nkhũn cưới vợ lâu năm rồi, vợ mang thai mới vừa đủ hơn chín tháng. Ông suy nghĩ: “Không thể nào dám dùng dao để mổ bụng vợ mình”. Vợ đã mang thai hơn chín tháng rồi, Ntar mới lo đi tìm xin ngải. Ntar Nkhũn đi xin ngải con dơi:

– Ơi cậu Dơi ơi, các cậu đẻ con ra thế nào, xin cậu giúp cho tôi ngải sinh đẻ với. Vợ tôi có mang lâu rồi.

Cậu Dơi đáp:

– Chúng tôi không có ngải sinh đẻ đâu. Chúng tôi chui trong ống tre sinh đẻ thôi. Cháu thử đi xin ngải của loài chim xem.

Ntar Nkhũn đi gặp gà rừng:

  • Ơi cậu Gà rừng ơi, các cậu sinh đẻ con như thế nào, các cậu giúp ngải sinh đẻ cho tôi với. Vợ của tôi đã mang thai lâu rồi.

Con Gà rừng đáp:

– Chúng tôi sinh đẻ không dùng ngải đầu, chúng tôi ấp bằng cánh trên lá khô thôi. Cháu hãy đi xin thử ngải của chim Công xem.

Ntar Nkhũn đi gặp chim Công:

– Chim Công ơi, các cậu sinh con thế nào, các cậu hãy giúp cho tôi ngải sinh đẻ với. Vợ của tôi mang thai đã lâu rồi.

Chim Công đáp:

– Chúng tôi đẻ con không dùng ngải đầu, chúng tôi đẻ trứng trên cỏ, ấp phủ bằng cánh thôi mà. Cháu thử đi xin ngải của chim Phượng Hoàng xem sao.

Ntar Nkhũn đi gặp chim Phượng Hoàng:

– Cậu Phượng Hoàng ơi, các cậu đẻ con làm sao, các cậu giúp ngải để cho tôi với, vợ của tôi mang thai đã lâu rồi.

Chim Phượng Hoàng đáp:

– Chúng tôi đẻ con không dùng ngải đâu. Chúng tôi ấp trứng trong hang cây gỗ thôi. Con mái đẻ trứng, chim trống ấp trứng. Cháu thử đi xin ngải của chim Rkleh xem sao.

Ntar Nkhũn đi gặp chim Rkleh.

– Cậu chim Rkleh ơi, các cậu đẻ con làm sao, các cậu giúp cho tôi loại ngải đẻ con với, vợ của tôi mang thai lâu rồi.

Chim Rkleh đáp:

– Chúng tôi để con không dùng ngải đầu, chúng tôi không có ngải đẻ. Chúng tôi đẻ trứng ấp trong hang cây thôi. Cháu thử đi xin ngải của con Lươn xem sao.

Ntar Nkhũn đi gặp con Lươn hỏi:

– Ơi con Lươn, sinh con làm sao, cho tôi xin ngải với, vợ của tôi mang thai đã lâu rồi.

Con Lươn đáp:

– Chúng tôi không có ngải đẻ con đầu, chúng tôi để con trong đất bùn thôi. Người hãy thử đi xin ngải của con Sóc xem nào.

Ntar Nkhũn đi gặp con Sóc hỏi:

– Cậu Sóc ơi, các cậu đẻ con làm sao, giúp ngải sinh đẻ cho tôi với, vợ của tôi mang thai đã lâu rồi.

Con Sóc đáp:

– Chúng tôi không có ngải sinh đẻ đâu. Chúng tôi để con làm tổ trên ngọn cây thôi. Người hãy thử xin ngải của loài Cá trong nước.

Ntar Nkhũn đi gặp loài Cá:

– Cậu Cá ơi, các cậu đẻ con làm sao, các cậu giúp tôi cho tôi xin ngải sinh đẻ, vợ của tôi mang thai đã lâu rồi.

Cá nói:

– Chúng tôi không có ngải sinh đẻ đâu, chúng tôi chỉ đẻ trứng trên đá tự nhiên.

Cá nói tiếp:

– Ếch trước kia ở trên ngọn cây, cá chúng tôi xưa kia cũng ở trên ngọn cây, người đuổi chúng tôi xuống ở nước, ngải của chúng tôi đã bỏ trên các hang cây rừng, có thể con khỉ, con vượn giữ. Người hãy thử đi xin con khỉ và vượn xem sao!

Ntar Nkhũn đi tìm con khỉ, con vượn để xin ngải sinh đẻ. Ông đi trên khắp vùng rừng già, đi trên khắp đồi dài, núi cao. Ông đi mãi, đi mãi mới nghe đàn khỉ nói chuyện. Ntar Nkhũn nghe đàn khỉ đang nói ồn ào ở trên ngọn cây đa to. Ntar Nkhũn bước đi nhẹ lần mò đến gần cây đa để rình. Ông nấp nơi kín để quan sát xem đàn khỉ đang làm gì. Bây giờ, Ntar Nkhũn mới nhìn thấy rõ khỉ đẻ con ở trên cây. Con khỉ mẹ có chửa ngồi ở giữa, các con khác, con thì nắm hai chân, con thì nắm hai tay, con thì ôm bụng khỉ mẹ, lát sau, con khỉ con từ trong bụng mẹ chui ra. “Con khỉ đẻ con như thế à?” Ntar Nkhũn ngồi xem cho đến lúc trời sáng. Khi trời sáng, đàn khỉ đi ra hết rồi, Ntar Nkhũn thấy rơi một củ ngải nơi gốc cây đa đó. Chắc đây đúng là ngải sinh đẻ của khỉ. Ntar Nkhũn mang củ ngải đó về nhà.

Về đến nhà, Ntar Nkhũn kể lại chuyện con khỉ sinh con cho bà con. Bà con nghe chuyện Ntar Nkhũn kể thì rất vui mừng. Đến ngày vợ của Ntar Nkhũn đau bụng đẻ, Ntar Nkhũn không mổ vợ để lấy con nữa. Ntar Nkhũn nhờ bà con giúp: người nắm chân, người nắm tay, người ôm bụng đè như khỉ đã làm trên cây đa mà Ntar Nkhũn đã thấy. Vợ Ntar Nkhũn đau bụng từ đầu hôm, đến khi trời gần sáng con trong bụng mẹ lọt ra. Bà con nhìn thấy  vợ Ntar Nkhũn sinh đẻ ra con, từ ngày đó phụ nữ có thai không phải bị mổ nữa, biết sinh con đến nay.

Theo bản dịch của nghệ nhân Điểu Kâu, Trương Bi sưu tầm, tài liệu chép tay

(Trích Tryuện cổ tích các dân tộc thiểu số Việt Nam – Cổ tích loài vật, Nguyễn Thị Yên chủ biên, NXB Khoa học xã hội, trang 353-357)