RÙA VÀ KHỈ
Lượt xem:
Rùa và khỉ đi hái măng.
Rùa nói:
– Này khỉ, mày đừng mang cái gùi mới, hãy mang cái cũ và rách thì mới hải được nhiều măng.
Khỉ mang gùi rách đi trước, rùa theo sau. Lúc đến rừng le, khỉ hái được nhiều măng, nhưng vì gùi rách, măng lọt hết ra ngoài. Rùa chỉ việc theo sau nhặt hết. Cuối cùng, măng của rùa nhiều hơn khỉ. Thấy vậy, khi hỏi:
– Tại sao mày đi theo sau mà lại hái được nhiều măng hơn tao?
Rùa không nói, chỉ cười.
Khỉ lại hỏi:
– Măng mình có rồi, nhưng biết nấu với gì cho ngon?
Rùa nhanh nhẹn đáp:
– Phải nấu với phân của con cháu mình, hoặc của con heo, con gà mới ngon được. Xưa nay tao vẫn nấu như thế.
Tin lời rùa, về đến nhà, khỉ bảo vợ làm theo như vậy. Lúc mang ra ăn, phải nôn mửa hết ra ngoài. Khỉ tức giận lắm, tìm đến nhà rùa. Lúc này, vợ chồng rùa vừa nấu xong món canh măng ngon. Khỉ lớn tiếng:
– Sao mày nói láo với tao? Nồi măng theo cách nấu của mày vợ chồng tao phải ói hết ra! Rùa bình tĩnh, mói:
– Tại mày không biết cách nấu đó thôi. Tạo nấu lâu nay lúc nào cũng ngon. Đây, mày thử nếm xem!
Khi nếm thử thì thấy đúng là ngon thật. Nó không hiểu vì sao, đành bỏ đi.
Một lần khác, khỉ đến rủ rùa:
– Rùa ơi! Chúng ta cùng đi làm rẫy, bẫy thú rừng nhé!
Rùa hỏi:
– Ở đâu?
– Mày cứ theo tạo!
Rùa theo khỉ vào rừng làm bẫy. Vừa làm xong, khỉ đã bày cách đặt bẫy cho rùa:
– Rùa ạ, bây giờ ta bẫy chim ở dưới đất, đặt bẫy hươu nai trên cành tre.
– Mày nói bậy, bẫy chim trên cành tre, bẫy hươu nai dưới mặt đất chứ!
Khỉ nói:
– Thôi, mày đừng cãi tao! Để sáng ngày mai xem thử coi, nếu đúng lời đã nói, tao lôi cổ mày ra khỏi vỏ đấy, rùa ạ.
Rùa đành làm theo ý của khỉ. Đặt bẫy xong, chúng ra về. Sáng hôm sau, khỉ dậy sớm, đem con hươu bẫy được dưới đất treo lên cành cây, lấy con chim sẻ bẫy được trên cây đặt dưới đất. Xong, khỉ đến nhà gọi rùa ra xem.
Khỉ nói:
– Đấy, mày thấy chưa? Có đúng lời tao nói không?
– Đúng! Khi đắc chí cười trong bụng.
Nó hỏi rùa:
– Mình khiêng con hươu bằng cây gì đây?
Rùa đáp:
– Ta khiêng bằng cây blang. Vì khiêng bằng cây này, thịt hươu mới được nhiều.
Khỉ nghe theo lời rùa. Vì mặc áo cứng, rùa đi mãi vẫn không thấy đau. Khỉ thì chỉ mới đi được một đoạn đã kêu lên “Cha, cha!… Đau quá! Đau quá!”. Rùa mắng:
– Mày có im đi không! Coi chừng ông Bim Pang đấy! Nó xin hết thịt đấy…
Nói đoạn, khỉ cũng ráng sức khiêng đi. Nhưng chỉ vài sải đường nó đã không chịu nổi, lại van. Đang lúc rùa và khỉ dùng dằng, thì ông Bim Pang đi tới. Ông Bim Pang hỏi:
– Các cháu khiêng gì đó?
Dạ, khiêng hươu đặt bẫy được từ tối hôm qua.
Ông Bim Pang lại hỏi:
– Sao không làm thịt luôn, khiêng làm gì cho mệt? Nếu tôi mổ thịt giúp, thì các cháu cũng cho một phần chứ?
Khỉ ngại khiêng, thấy Bim Pang dỗ dành bèn đồng ý ngay. Vả lại Bim Pang vốn lì lợm, không được việc, ông không chịu buông, nên không đồng ý cũng không được. Thịt hươu làm xong, phần thịt nướng cũng đã chín mà chưa có muối ớt để ăn. Bỉm Pang bảo khỉ:
– Cứ đến nhà hỏi xin vợ tôi cũng có đấy, khỉ ạ.
Khỉ và rùa cùng đi. Đến nơi, chúng gặp H’Pang, vợ của Bim Pang tuy không có nhiều muối ớt, bà vẫn lấy đưa cho khỉ. Lấy xong, rùa và khỉ tìm cách trêu chọc bà H’Pang để trả thù Bim Pang. Khỉ, rùa trói chặt bà H’Pang ở cửa ra vào. Chúng buộc ná và mũi tên lắp sẵn vào tay bà ta, như thể bà định bắn ai từ cửa. Trước khi ra về, khỉ còn nhét nắm lá vào miệng H’Pang, làm bà không kêu la được nữa.
Làm xong việc đùa giỡn tày trời ấy rồi, khỉ và rùa hăm hở mang muối ớt về nơi mổ thịt. Người và rùa, khỉ cùng ăn. Ăn xong, ông Bim Pang đi ngoài. Rùa và khi nhân cơ hội này, bỏ cục đá to vào phần thịt của ông ta.
Bim Pang gùi thịt về, thấy nặng có vẻ mừng, và cố đi thật nhanh. Chưa đến chỗ cầu thang ông đã cất tiếng gọi vợ:
– Ơ H’Pang, mở cửa cho tôi vào, nặng lắm!
Thấy vợ không đáp lời, cũng không mở cửa, Bim Pang tức giận, hằm hằm leo lên cầu thang. Cánh cửa bật ra, thấy vợ giương ná nhắm vào mình, ông hốt hoảng, kêu lên:
– Ơ! Sao bà bắn tôi? Bà đừng có bắn! Đừng bắn!…
Thấy vợ lúc lắc đầu, Bim Pang nhìn kĩ lại. Biết vợ bị trói vào cánh cửa, và việc này do khỉ và rùa gây ra, ông ta giận lắm. Bim Pang vừa mở dây trói cho vợ, vừa hăm dọa: “Hãy coi chừng thân mày đấy, khỉ, rùa ạ!”. Ông lấy thịt nấu cho vợ ăn. Trong lúc tức giận, ông mạnh tay bỏ thịt vào nồi đất, nó vỡ toang. Một cục đá to tướng lăn trên sàn bếp. Ra không phải vì ông mạnh tay mà chính nó mới là thủ phạm. Bim Pang quyết định phải đến tận nhà để bắt tội rùa và khỉ.
Hôm sau, hai vợ chồng Bim Pang lên đường sớm. Lúc gặp hai người, khỉ và rùa đều công nhận họ đã phạm tội trêu chọc H’Pang. Chúng nói:
– Bây giờ chúng tôi đã sẵn sàng, ông bà muốn làm gì thì làm!
Bim Pang bảo đây là chuyện lớn, nên phải bắt rùa và khỉ về làm thịt. Khỉ tỏ ra ngoan ngoãn bằng lòng. Nó nói:
– Nếu ông muốn thịt tôi, thì hãy để tôi lên cành cây, đốt lửa thui từ dưới đất lên thì thịt mới ngon.
Rùa cũng bày cách cho Bim Pang mổ thịt mình. Rùa nói:
– Thịt tôi thì ngon, nhưng muốn làm chắc chắn là khó, vì áo tôi toàn xương không. Nếu muốn làm tôi cho dễ, các người cứ chôn tôi xuống cát, gần bờ sông, bờ suối. Nhớ đừng trói buộc chân hay cắt tiết trước. Ông cứ nghe lời tôi làm đúng như vậy nhé. Đằng nào tôi cũng không sống, nên bày cách cho ông làm thịt tôi được dễ. Phần tôi, tôi cũng đỡ đau trước khi chết. Chứ nếu ích kỉ, giữ kín điều mình biết mang theo, khi chết cũng chẳng dùng vào được việc gì nữa. Phải vậy không, ông bà?
Nghe khỉ và rùa nói có vẻ chân thành, lần này vợ chồng Bim Pang tin chắc là chúng nói đúng, và hứa làm theo lời. Nhưng khi định thui khỉ từ trên cành cây, chưa đốt được lửa, khỉ đã trốn vào rừng. H’Pang chôn rùa xuống bờ suối để làm thịt cho dễ, rùa bò ra sông. Từ đó, vợ chồng Bim Pang chẳng còn gặp mặt khỉ và rùa như những lần trước, mà phạt tội. Tuy vậy, khỉ cũng chỉ dám sinh sống trong rừng, và rùa sống mãi ở dưới nước, không ai dám trở lại sống cùng dân làng nữa.
Người kể: Ei Thơm và Ama Ter Lak
(Trích Truyện cổ các dân tộc Tây Nguyên, Nhiều tác giả, NXB Văn hóa dân tộc, trang 462-468)