SỰ TÍCH CÂY GƯƠM THẦN

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày xưa có hai anh em người M’Nông là Prang và Lyang cùng sống chung với nhau. Một hôm người em là Lyang đi theo dòng sông đến đất Tuy Hao tại Trung Hoa và được một cặp vợ chồng già nuôi ngày càng khôn lớn.

Theo truyền thuyết, năm đó vua Tuy Hao phải đem công chúa Noong Pon dâng cho một con rồng. Lyang định cứu công chúa Noong Pon và đi đến đất của người Yeak để tìm gươm quí. Người Yeak vốn quỉ quái như yêu tinh, nhưng cũng có lúc rất hiền lành. Vì làm được nhiều phép lạ nên được người Lyang Yeak kính phục. Lyang nhờ vua của người Yeak lấy đá quý rèn thành một cây gươm. Vua Yeak liền bằng lòng và rèn cho Lyang một cây gươm, có thể chặt được cây cối rất lớn và những vật rất rắn mà không hề bị sứt mẻ.

Khi đã có gươm quý, Lyang vội trở về lâu đài trong đó có công chúa Noong Pon đang miễn cưỡng đợi con rồng tới. Lyang dũng cảm lấy gươm quý chặt đầu con rồng, vì khiêm tốn Lyang xin công chúa Noong Pon đừng nói sự thật với vua, khi người đến tìm nàng.

Sau bảy ngày, nhà vua không thấy con rồng trở lại, liền sai người đi dò xét. Khi được báo tin là con rồng đã chết, nhà vua đã dò hỏi công chúa tên người đã cứu thoát được con gái yêu quý của mình. Công chúa Noong Pon nghe lời Lyang nên nói dối không biết là ai, chỉ trao lại cho vua cái vỏ gươm và cái mép có tua của chiếc khăn quàng mà vị ân nhân đó để lại.

Muốn tìm ra người đó, nhà vua cho họp hết các tộc người M’Nông, người Jarai, người Samré, người Stiêng, vì những tộc người này có thói quen dùng gươm và khăn quàng, nhưng không một cái gươm nào vừa với cái vỏ đó và không một cái khăn quàng nào hợp với viền có tua, vì vậy nhà vua cho gọi các người Cam Bốt, người ấn Độ, người Lào, người Xiêm, nhưng cũng không tìm thấy vị ân nhân đã cứu được công chúa.

Sau đó, nhà vua nghe thấy có một người M’Nông giống Lyang hiện đang được đôi vợ chồng già nuôi. Vua liền sai đi gọi người đó, nhưng Lyang không chịu đến, vua sai mười, năm chục, rồi hai trăm người lần lượt đến mời nhưng cũng vô ích. Lyang chỉ đưa cho họ xem thanh gươm và khăn quàng, bảo họ đem trình nhà vua. Hai trăm người muốn mang thanh gươm, nhưng tất cả mọi người cùng chung sức cũng không nhấc nổi thanh gươm quý.

Mãi sau Lyang mới ra trình diện, được nhà vua trọng thưởng và gả công chúa cho. Nhưng rồi sau một cuộc chiến tranh khốc liệt, Lyang thua trận bỏ đi và để thất lạc thanh gươm quý. Lyang để bao gươm ở Cam Bốt, cán gươm ở Xiêm và nhà vua mang lưỡi gươm lên đất Jarai.

 

Người kể: cô giáo H’Xuân, bon Đăk Blao, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk Rlấp