Sự tích cây nêu

Lượt xem:

Đọc bài viết

Ngày xưa, ngày xưa ở một bon làng của người Mơ Nông, có hai anh em một trai, một gái, người anh trai tên là Nga, người em gái tên là Dê. Từ bé, khi chúng chưa biết làm việc để tự kiếm miếng ăn Dê và Nga đã phải mồ côi mẹ. Lúc đó, có một người đàn bà đến nhà giúp nuôi hai đứa trẻ, rồi sau bà ta ở lại luôn và lấy cha của Dê, Nga làm chồng. Từ đó, cả hai đứa trẻ lại có một bà mẹ kế.

Cha mẹ của Dê và Nga nghèo lắm, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc. Ngay lại ngày người cha phải đi xa làm việc để kiếm ăn, đến tối mịt mới về nhà, vì thế cả hai anh em phải ở nhà với bà mẹ ghẻ. Những lúc chồng đi vắng bà mẹ ghẻ nấu cơm nhưng giành hết phần không cho hai anh em ăn. Vì bà ta chỉ cho húp nước cơm không thôi nên dân trong bon gọi họ là hai anh em húp nước cơm.

Tối đến người cha đi làm về đến nhà, lần nào cũng vậy bà vợ kế cứ luôn mồm than vãn về hai đứa con của chồng. Bà kể lể:

– Hai con Dê, Nga của chàng tham ăn lắm, chúng giành ăn hết phần cơm của tôi mà chẳng chịu làm gì cả. Nếu chàng không bỏ chúng đi thì chúng ta không thể là vợ chồng được nữa đâu.

Bà vợ cứ một mực bảo chồng phải bỏ hai đứa con đẻ của mình. Cha Dê và Nga cũng điên đầu lắm, ông ta suy tính thiệt hơn khi nghĩ đến chuyện nên bỏ vợ hay bỏ con: “Nếu mình bỏ vợ thì sẽ không có người nấu cơm cho con ăn thì con cũng chết, chi bằng ta bỏ con để ở với vợ thì sẽ có con tiếp mà thôi”.

Vậy là cuối cùng ông quyết định bỏ con. Một ngày nọ, người cha dẫn hai con Dê và Nga vào rừng, khi đến một cái cây có quả to, ông nói:

– Ta chặt cây này để hái quả ăn các con nhé.

Nói rồi ông dùng rìu chặt thân cây, khi cây đã bị chặt đứt gần hết, người cha bảo hai con:

– Cha chặt cây gần ngã rồi, nhưng nếu để cây ngã chạm đất thì quả dập hết không ăn được đầu, các con hãy đứng ở phía trước để đỡ cây các con nhé!

Hai đứa con ngoan ngoãn vâng lời cha. Khi chúng đến gần cây, người cha liền chặt mạnh làm cây đổ xuống về phía đầu hai đứa con. Khi cây đổ, ông nghĩ rằng chắc chắn cây đã đè chết chúng rồi nên vội vàng về nhà nói với vợ:

– Hai đứa chúng nó đã bị cây đè chết cả rồi.

Nghe chồng nói các con đã chết cả rồi thì người vợ kế rất vui mừng. Bà nghĩ thầm từ đây bà ta sẽ được ăn cơm một mình thật no nê. Về phần hai đứa con Dê và Nga, khi cây đổ may sao chúng không bị cây đè chết mà ngược lại chúng còn hái được đầy một gùi quả chín mang về nhà. Khi chúng về đến nhà thì đã nửa đêm, cả hai cùng lên tiếng gọi cha ra mở cửa. Vào nhà hai đứa trẻ nói với cha chúng:

 

– Cha đốn cây ngã rồi, chúng con liền hái quả bỏ vào gùi, sau đó tìm cha nhưng tìm gọi mãi vẫn không thấy cha đáp nên giờ này chúng con mới về tới nhà được ạ!

Lúc này mụ dì ghẻ của Dê, Nga càng lấy làm bực tức. Bà ta bảo chồng phải sớm giết chết cho bằng được hai đứa trẻ, bà dọa ông rằng nếu không giết chúng, bà sẽ không làm vợ ông nữa. Người cha suy nghĩ mãi không biết phải giết con như thế nào đây.

Một ngày kia, cha Dê và Nga dẫn chúng đi đào củ mài mãi tận rừng già, cách bọn họ ở xa lắm. Đến nơi họ gặp một dây củ mài thật to, người cha bắt đầu đào hố và bảo là để lấy củ mài. Ông đào một ngày rồi lại hai ngày, đào sâu đến tận ngọn cuối của củ khoai, sâu đến nỗi ông phải làm thang bằng dây mây để leo xuống hố. Làm thang xong ông bảo Dê và Nga leo xuống hố sâu để lấy củ mài. Hai đứa trẻ nghe lời cha liền leo xuống đáy hố để lấy củ mài. Người cha không một chút tình thương liền độc ác kéo thang lên bỏ hai con của mình dưới hố sâu. Sau đó ông bỏ lại trên miệng hố một cái nồi đất, một ống đá đánh lửa, con dao, xà gạc để cúng hồn cho các con.

Lại nói về Dê, Nga bị kẹt dưới cái hố củ mài không có thang để trèo lên. Đến tối hôm ấy có một cơn bão to, gió lớn thổi ào ào, gió thổi mạnh đến nỗi làm đổ một cây to, ngọn cây rơi xuống cái hố. Hai anh em nấp trong hố củ mài cho đến khi trời sáng thì lần theo ngọn cây kia trèo lên khỏi miệng hố. Thấy cha bỏ lại trên miệng hố một chiếc xà gạc, một con dao, một cái nồi đất, một hòn đá lửa, một tấm chăn rách thì họ biết rằng cha đã bỏ chúng. Hai anh em nói với nhau:

– Cha mẹ không muốn nuôi mình nữa, nếu anh em ta quay về nhà thì cũng không sống được đâu, thôi thì chúng ta ở đây ăn củ mài sống qua ngày vậy.

Nói rồi cả hai anh em cùng chặt cây lợp lá chuối dựng lều tạm. Ngày ngày, chúng nhóm lửa lấy nồi luộc củ mài để sống qua ngày, chúng còn đi tìm thêm rau rtăk, rtônh về để nấu ăn.

Một ngày, người anh là Nga chặt cây làm ná nhỏ để bắn chim cu nướng thịt ăn. Thấy trong điều con chim cu có ít hạt bầu, hạt dưa, hạt bí, hạt ớt, hạt cà… thế là chúng liền lấy những hạt kia phơi khô cất đi. Một ngày khác, Nga đi săn, bắn được một con gà rừng rồi đem nướng lên để lấy thịt ăn, thấy trong điều con gà rừng nọ có những hạt lúa, mừng quá hai anh em liền lấy những hạt lúa đó phơi khô cất dành để làm giống.

Rồi chúng bắt đầu phát rẫy nhỏ để trỉa hạt lúa đã lấy từ trong điều con gà rừng và trồng hạt dưa, bầu, bí, ớt, cà… đã để dành từ diều con chim cu. Thật may cho chúng, những hạt giống kia mọc lên rất nhanh và xanh tốt lạ thường.

Đến mùa lúa trổ bông, con voi đến ăn lúa, Nga dùng chiếc ná của mình bắn voi chết rồi lấy thịt voi trên cây nêu. Em Dê ngồi bên phải, anh Nga ngồi bên trái để tưởng nhớ đến cuộc sống nghèo khổ của Dê, Nga sau khi bị cha mẹ hại trong rừng sâu nước độc.

Từ đó, cho đến đời con cháu sau này, mỗi lần làm cây nêu dân bon đều tạc tượng Dê và Nga để treo lên cột cây nêu. Người trong bon chỉ thờ tượng Dê, Nga trong mấy ngày diễn ra lễ hội, đến khi hết lễ hội thì tượng được để luôn tại cây nêu. Họ để vậy cho đến khi cọc nêu mục thì tượng Dê, Nga cũng không còn nữa. Rồi đến mùa lễ hội năm sau người ta lại đẽo tượng Dê, Nga khác treo lên cây nêu. Cứ thế sự tích cây nêu được lưu truyền từ đời này sang đời khác.

 

Người kể: Điểu Klung

 

(Trích Truyện cổ tích các dân tộc thiểu số Việt Nam, Nguyễn Thị Yến (chủ biên), NXB Khoa học xã hội, trang 120-127)