Sự tích goong lú Bu Dâng

Lượt xem:

Đọc bài viết

Xưa kia, bon Phê Prâng đi làng khác kiếm ăn, mỗi người đi có mang đồ bán, có một người đi không, không có đồ để bán. Đi nửa đường, ngủ đêm, ông ấy mơ có một người già hỏi:

– Cháu đi đâu vậy cháu?

– Cháu nghèo lắm, đi bon khác để xin.

Người già hỏi tiếp:

– Cháu đem thứ gì để đổi lấy đồ của họ?

– Cháu không có gì để đổi bác ạ. Trong nhà cháu không có thứ gì để đem đi đổi, cháu đi theo người làng để xin vay của họ, hoặc may người ta cho, sau này cháu sẽ trả.

Người già nói với ông:

– Tội nghiệp cháu lắm cháu ạ. Cháu xin không của họ không ai cho cháu đâu. Nên có của để đổi mới được cháu ạ.

Người già nói tiếp:

– Bác thương cháu lắm, ngày mai, cháu đi đến suối Dak Nông, cháu lựa hòn đá và gõ thử cho tiếng vang như cồng, lấy gõ thử cho đủ một bộ cồng đánh đúng nhịp. Cháu chọn ba hòn đá như thế rồi mang đi bán cho goong lú. Cháu không lo nữa đâu. Đi đến đó, họ sẽ đổi goong lú của cháu một con trâu.

Sáng thức dậy, ông suy nghĩ về giấc mơ. Đi đến suối Dak Nông, đoàn dừng nghỉ chuẩn bị cơm trưa. Mọi người trong đoàn chuẩn bị lo nấu ăn. Ông ta một mình đi tắm kết hợp với tìm đá. Ông dùng cây gõ từng hòn đá, lựa đá nào có tiếng cồng thì ông mang hòn đá lên bờ gõ thử.

Ông ta rủ người khác cùng gõ.

Tiếng nhạc đá như cồng thật. Rồi ông ta mang bán. Những người đi cùng thấy vậy khinh cười, vì ông không mang thứ gì để bán, nên lượm đá để bán. Họ đi đến bon Bu Dâng ở bên suối Dak Rtih, tối ghé ngủ tại bon Bu Dâng.

Đến bon Bu Dâng, ông rủ người ta đánh goong lú. Bon Bu Dâng nghe tiếng đá giống nhạc cồng. Bon Bu Dâng hỏi làm thế nào ông có bộ cồng đá này? Ông lấy goong lú này ở đâu vậy? Người chủ goong lú kể hết mọi chuyện thần mách, rồi nói:

– Thần cho tôi bộ goong lú này.

Nghe kể, bon Bu Dâng liền đổi bộ goong lú bằng một con trâu cái. Trong chuyến đi kiếm ăn này, ông ta được con trâu trước những người khác có của bán chưa ai mua đổi. Từ đó, bon Bu Dâng có goong lú để đánh trong lễ hội.

 

Người kể: Bap Pêl Biăng

 

(Trích Truyền thuyết các dân tộc thiểu số, Trần Thị An (chủ biên), NXB Khoa học xã hội, trang 138-141)