VÌ SAO CON KHỈ HÁI TRỘM HOA MÀU TRÊN RẪY
Lượt xem:
Ngày xưa, người ta không biết cách đẻ con một cách bình thường. Khi vợ trở dạ, người chồng phải mài con dao thật bén và mổ bụng để lấy đứa con ra. Bởi vậy, mỗi lần sinh nở là người mẹ vô cùng đau đớn. Khi bế đứa con ra, người chồng lấy chỉ khâu bụng vợ lại rồi cứ để vậy bảy ngày sau người mẹ mới tỉnh và khoẻ được.
Mãi cho đến thời Bap Tar Nkhum, khi vợ ông có mang lần đầu đã gần đến ngày sinh nở, bà vợ bảo chồng chuẩn bị mài dao để mổ.Vì thương vợ phải chịu đựng đau đớn nên ông ngần ngại không dám mổ. Bap Tar Nkhum không biết làm sao, buồn quá ông bỏ đi lang thang suốt từ sáng đến tối trong rừng. Mệt quá, ông dựa lưng vào gốc cây đa để ngủ. Ông đang thiu thiu ngủ thì nghe thấy có tiếng động trên cây đa. Nhìn lên thì thấy bầy khỉ đang chạy lăng xăng vì có một con khỉ đang trở dạ sinh con. Con này vuốt bụng con khỉ mẹ còn con khác cố kéo đứa con ra. Đêm trăng sáng tỏ nên ông đã nhìn thấy rõ công việc lũ khỉ làm từ đầu đến cuối. Sau đó, Bap Tar Nkhum lên tiếng gọi:
– Ơ các chú khỉ, nhờ các chú dạy cách sinh đẻ cho tôi với! Vợ tôi đang đau đẻ ở nhà. Bầy khỉ nghe thấy liền hỏi lại:
– Ôi, con người chưa biết đẻ à?
– Chưa biết đâu! Mỗi lần đẻ là chúng tôi phải mổ bụng vợ lấy con ra, đau lắm!
Nghe vậy, một con khỉ trèo xuống trao tặng cho ông ta một củ ngãi đẻ và bày dạy cặn kẽ cách đẻ. Trước khi ra về ông ta nói:
– Tôi mang ơn các chú khỉ nhiều lắm, biết lấy gì để trả công cho khỉ đấy!
Chúng tôi chỉ xin một ít bắp non, dưa ngọt, cà chín để ăn thôi – Khỉ đáp.
– Ồ, các thứ đó ở trên rẫy chúng tôi thiếu gì. Mỗi lần đói thì khỉ cứ đến đó tôi sẽ hái cho mà ăn. Người hứa với lũ khỉ.
Bầy khỉ nghe nói đến thức ăn thì rất vui sướng. Hứa xong với khi ông ta ra về. Đến nhà vẫn thấy vợ đang ôm bụng quằn quại. Người vợ thúc dục chồng lấy dao ra mổ. Chồng vẫn cứ chần chừ chưa chịu làm. Nghe lời khỉ bày, ông luôn ở bên cạnh vợ làm người đỡ đẻ, giúp vợ trong cơn vượt cạn. Ông chỉ cần cho vợ ăn củ ngãi và ngồi chờ vợ sinh con ra. Sáng hôm sau đứa bé ra đời, mẹ tròn con vuông. Nghe tiếng đứa bé khóc chào đời mọi người đến thăm chật nhà. Họ thấy người mẹ không hề bị mổ mà đứa con vẫn ra đời được. Bà con trong làng tò mò muốn biết, Bap Tar Nkhum thật thà kể lại đầu đuôi sự việc cho mọi người nghe. Và ông dạy lại cách sinh đẻ của loài khỉ cho mọi người trong làng nghe.
Dân làng nghe xong bắt chước làm theo. Mỗi khi có người đẻ họ không còn dùng dao hay cật nứa để mổ xẻ bụng sản phụ nữa mà chỉ cần cho ăn củ ngãi đẻ của con khỉ. Chỉ vài ngày sau người mẹ khỏe trở lại như thường, có thể địu con đi làm rẫy được ngay mà không cần ở cữ nữa.
Có điều, khi con người biết cách sinh đẻ rồi thì lại quên mất lời hứa cho thức ăn bọn khỉ, không chịu trả công cho chúng. Khỉ thiếu thức ăn liền kéo đến rẫy của con người để chầu chực. Chúng nhìn quả bắp, quả dưa, quả cà mà thèm thuồng. Bầy khỉ chờ mãi mà không thấy có ai đến hái cho ăn nên đành phải đánh liều vào rẫy hái trộm hoa màu. Chúng nó còn cắt cử hẳn một con khỉ khôn ranh nhất trèo lên cây cao gần rẫy để theo dõi, canh chừng cho các con khỉ khác yên tâm vào ăn trộm hoa màu. Nếu có động tĩnh gì, con khỉ làm nhiệm vụ canh gác hú lên một tiếng làm hiệu là cả bầy khỉ rủ nhau bỏ chạy. Con người nhiều lúc bực mình, chịu thua cái thói ăn trộm tinh ranh của con khỉ. Chúng chẳng những hái hoa màu ăn cho đã đời tại chỗ mà còn mang theo bên mình một số để dành khi đói thì có ăn ngay.
Người kể: Ông K’Bốt, tổ dân phố 2, phường Nghĩa Trung, thị xã Gia Nghĩa