VÌ SAO TRONG LÚC ĐI, CỌP HAY BỚI ĐẤT?

Lượt xem:

Đọc bài viết

Một hôm, cọp gặp thỏ và trở nên thân thiện. Cọp nhờ thỏ làm giúp cỏ lúa. Thỏ sốt sắng đi gọi thêm cả gà, nai, hươu, chó, vượn,… cùng làm. Thường lệ, được ai làm giúp, đến tối người chủ phải làm cơm, có rượu thịt tử tế, để trả ơn. Chiều hôm ấy, ngước lên vừa thấy mặt trời chênh chếch, thỏ đã giục:

– Thôi, anh về trước, để còn lo cơm nước ở nhà.

Khi cọp đã về, thỏ không làm cỏ nữa mà nó gặm nhấm các mầm non của cây lúa. Thỏ cũng khuyến khích các con vật khác ăn hết lúa của cọp. Ai ăn được thì ăn, ai không ăn được thì phá, chỉ để lại cỏ.

Đêm ấy ở nhà cọp, uống rượu xong, thỏ dặn dò:

– Cỏ đã làm xong. Đúng bảy ngày sau, anh hãy đi thăm rẫy. Thăm sớm lúa không tốt đâu. Còn muốn tốt hơn, đến ngang bìa rẫy, anh cứ nhắm mắt, chịu khó lần đường đi lên chòi xong, bấy giờ, hãy mở mắt ra xem.

Đúng bảy ngày sau, cọp làm theo lời thỏ dặn. Lúc mở mắt ra, nó thấy cả rẫy lúa, không một cây nào còn sống sót. Cọp dụi mắt đến ba lần, vẫn không thấy một cây lúa nào.

Cọp ngồi trên tảng đá, nguyền rủa kẻ đã làm hại mình: “Heo gà cũng mất, lúa cũng mất, đứa nào hại ông, ông không tha”. Cọp loáng thoáng nghe có tiếng đáp ngay dưới chỗ ngồi. Cọp quát:

– Đứa nào đó?

Không có tiếng trả lời. Cọp chửi. Lại có tiếng ai đó đáp trả. Nhìn lên, nhìn xuống, nhìn ra chung quanh, chẳng thấy ai. Cọp nghĩ chỉ có hòn dái của mình ngồi rỗi rảnh mới đùa giỡn chơi, bèn đập một cái bể nát. Chưa hết giận, cọp lại nguyền rủa kẻ hại mình. Tiếng nói kia lại đáp lời, giọng chế giễu.

Tức mình, cọp lật tảng đá lên. Thỏ nhảy ra cười, rồi leo lên ngọn chuối. Cọp nói:

– Lúa má tao hết rồi, hòn dái tao cũng bể nữa, mà mày còn gạt tao. Phải ăn thịt mày là vừa, thỏ ạ.

Ngồi trên tàu lá chuối, thỏ nói:

– Tôi có tội, anh ăn thịt được rồi đó. Nhưng làm sao anh có thể bắt được tôi?

– Tao lấy ná bắn. Thỏ nói:

– Bắn như vậy máu chảy ra ngoài, ăn cái xác không đâu có ngon nữa. Ăn thịt có máu mới ngon chứ!

Cọp lại hỏi:

– Thế bây giờ tôi ăn làm sao cho ngon?

– Có gì đâu! Anh lấy xà gạc chặt hết bụi chuối này, chặt từng gốc, từng cây một. Chặt như vậy, tôi té xuống chết tươi, anh ăn ngon lành ngay, chứ gì?

Cọp tin lời, lấy xà gạc chặt từng gốc. Cây chuối thỏ đang ngồi đổ xuống, thỏ nhảy sang cây khác. Bụi chuối bị đốn sạch, thỏ chạy vào nhà. Khi cọp bực bội trở về nhà thì thấy thỏ đã ngồi ngay trong ché rung, loại ché quý nhất. Thấy có thể với tay là bắt được thỏ, cọp nói:

 

– Giờ tao ăn thịt mày được rồi đấy, thỏ ạ.

Thỏ hỏi:

– Ăn cách nào?

– Tạo lấy dao đâm.

– Như vậy đâu ngon. Máu tôi chảy hết…

Cọp lại hỏi:

– Thế ăn mày sao cho ngon?

– Khó gì! Anh lấy cây đập vào ché này. Ché bể, tôi chết ngày thôi. Bấy giờ, anh ăn ngon lành, còn phải hỏi!

Cọp thấy đúng, bèn làm ngay, vác cây đập ché. Ché vỡ, thỏ vẫn chưa chết. Nó nhảy lên nóc nhà, trêu chọc cọp:

– Bể chưa? Sao tôi vẫn chưa chết. Mà sao anh không đập từ miệng ché xuống?

Cọp lấy ná định bắn. Thỏ tụt xuống gần hơn, nói:

– Đã nói rồi mà, bắn ná ăn không ngon đâu. Tôi ngồi đây, anh cứ lấy lửa đốt. Tôi mà cháy queo thì ngon biết chừng nào!

Thấy thỏ như sắp sửa bỏ trốn, cọp vội lấy lửa châm nhà. Đợi lửa cháy to, thỏ lao ra ngoài và biến mất. Nhà cửa, chiêng ché, lúa má, của cải cọp vì thỏ mà tiêu tan sạch. Cọp rất tức, người lại đau, thứ gì cũng có thể mất chứ hòn dái thì không thể. Cọp quyết tâm đi tìm, dù có bới hết đất lên. Do vậy mà đến bây giờ, đi đâu cọp vẫn còn bới đất lên để tìm.

(Trích Truyện cổ tích loài vật Việt Nam, Triều Nguyên, NXB Hội nhà văn, trang 201-204)