TRUYỆN NÀNG JIDONG VÀ CON VOI-Truyện cổ M’nông

Lượt xem:

Đọc bài viết

      Ở làng nọ có hai chị em mồ côi, nhà nghèo không có gì ăn nên hằng ngày phải đi hái măng rừng để kiếm sống. Hai chị em đi hết khu rừng này đến khu rừng nọ . Đến một ngày, những khu rừng mà hai chị em đi hái măng xuất hiện một đàn voi. Đàn voi ăn hết măng trong rừng làm hai chị em phải đi tận vào rừng xa để tìm măng. Vì mãi đi tìm nên hai chị em bị lạc đường, lúc ấy trời đã tối mịt, không tìm được lối ra. Bụng thì đói, hai chị em bèn dừng chân ở gốc cây cổ thụ. Vì quá khát nước nên người chị đã lấy nước đọng trong dấu chân voi rừng để uống. Khi về nhà thì người chị mang thai. Dân làng biết tin, theo tục lệ, người chửa hoang thì phải nộp phạt cho cả dân làng, hai chị em thì lại quá nghèo nên bị dân làng hắt hủi, cho đó là niềm xui xẻo, đuổi hai chị em ra ngoài rừng ở.

Về sau, người chị sinh được một cô con gái, đặt tên nàng là Ji Dong (nghĩa là “niềm đau”). Qua năm tháng, nàng Ji Dong dần lớn và hiểu mọi chuyện, nàng muốn đi tìm cha – cha nàng chính là con voi đầu đàn. Ji Dong gặp được cha và năn nỉ cha về với mẹ nhưng voi đầu đàn từ chối vì sợ rằng con người không có đủ đồ ăn cho mình. Ji Dong đành quay về, tiếp tục sống với mẹ.

Một hôm, Ji Dong bị người xấu bắt, đàn voi đi tìm và cứu được cô. Khi được cứu, Ji Dong gặp cha và nằng nặc xin cha quay về với mẹ. Thương con, voi về ở con người, cũng từ đó loài voi có mối quan hệ mật thiết đối với con người.

Chính vì lẽ đó mà voi luôn hiện hữu trong đời sống của người M’nông. Người M’nông không bao giờ làm hại hay giết voi. Khi voi chết thì sẽ được người M’nông mai táng giống như đối với người thân trong gia đình.

(Người kể: H’Trâm, xã Quảng Phú, huyện  Krông Nô, tỉnh Đắk Nông)